Ngày 25/2 và 27/2, TikToker Thơ Nguyễn đăng 2 clip nội dung liên quan búp bê kumanthong. Cụ thể, ở video đăng ngày 27/2, nữ TikToker cho biết do nhận được nhiều yêu cầu của các em nhỏ nên quay video "xin vía học giỏi".
Cô dùng một con búp bê với tên gọi "kuman mập" và một chiếc dây chuyền lắc qua lắc lại. Việc "xin vía học giỏi" sẽ phụ thuộc vào dây chuyền lắc ngang hay dọc.
Đáng chú ý, Thơ Nguyễn khẳng định "xin vía học giỏi là điều không sai trái". Điều này khiến nhiều phụ huynh, dân mạng bức xúc và đề nghị tẩy chay.
Trên thực tế, Thơ Nguyễn không phải trường hợp đầu tiên bị lên án vì sáng tạo video độc hại, thiếu lành mạnh. Nhiều YouTuber, TikToker trên thế giới từng bị tẩy chay, xóa kênh vì làm video dạy trẻ em nhiều thói hư, tật xấu.
Video "xin vía học giỏi" của Thơ Nguyễn gây tranh cãi trong nhiều ngày qua. |
Dạy trẻ những trò chơi nguy hiểm, cổ xúy bạo lực
Khi lên YouTube gõ từ khóa "Thử thách", kết quả sẽ cho ra hàng loạt gợi ý như "Thử thách sinh tồn trong nhà hoang", "Thử thách 24h làm chó", "Thử thách đi trên dây"...
Tại Mỹ và nhiều nước phát triển, hàng loạt thử thách nguy hiểm được giới trẻ truyền tai nhau trên các nền tảng như YouTube, TikTok, bao gồm: "Momo Challenge", "Blue Whale Challenge", "Tide Pod Challenge", "Skull Breaker Challenge", "Penny Challenge", "Bright Eye Challenge"...
Tháng 3/2019, nhiều đứa trẻ có biểu hiện hoảng loạn, đập đầu vào tường, gặp ác mộng. Callie Astill, 7 tuổi, thừa nhận bản thân bắt gặp một nhân vật tên là Momo khi xem hoạt hình trên YouTube Kids.
Trong thời điểm đó, Telegraph đưa tin hàng loạt trẻ nhỏ tự cắt tóc, rạch tay, treo cổ vì học theo Thử thách Momo trên YouTube.
Cụ thể, một người phụ nữ đầu người mình gà với mái tóc đen, làn da nhợt nhạt, mắt lồi sẽ hướng dẫn người dùng cách tự làm hại bản thân. Người chơi phải giữ bí mật, nếu tiết lộ người khác, họ sẽ phải chết.
Một bé gái 12 tuổi ở Argentina tử vong trong tư thế treo cổ ở sau nhà. Cảnh sát nghi ngờ cô bé học theo Thử thách Momo nên đã quay clip bản thân treo cổ để đăng lên mạng.
Ban đầu, Thử thách Momo xuất phát từ WhatsApp, sau đó lan truyền rộng rãi trên YouTube. Để "hợp pháp hóa" những hình ảnh rùng rợn, người sáng tạo video đã "mượn tay" các video hoạt hình để lồng ghép thử thách vào, trong đó có thể kể đến hoạt hình Peppa pig.
Đầu năm 2018, giới trẻ Mỹ rộ lên trào lưu ăn viên bột giặt (Tide Pod Challenge). Theo Telegraph, trào lưu bắt nguồn từ tháng 6/2014. Nhưng đến năm 2018, thử thách này mới bắt đầu phổ biến sau video trên YouTube với hơn 100.000 lượt xem.
Trò chơi yêu cầu người tham gia thử thách phải ngậm viên bột giặt từ 1-2 phút. Thậm chí, một thiếu niên khoe món pizza bột giặt và tỏ ra tự hào với tay nghề của mình.
Cơ quan Y tế Mỹ cảnh báo người dân không nên tham gia thử thách vì các viên giặt chứa hàm lượng chất độc cao, có thể gây tiêu chảy, nôn mửa và khó thở. Tính đến cuối năm 2017, có 18 ca tử vong vì ăn viên giặt, trong đó có 8 người lớn và 2 trẻ em.
Trước đó, dư luận hoang mang trước thông tin hàng loạt người chết vì làm theo Thử thách Cá voi xanh, trong đó có nhiều trẻ em dưới 12 tuổi. Trào lưu bắt nguồn ở Nga từ năm 2016, yêu cầu người chơi phải thực hiện hàng loạt thử thách trong vòng 50 ngày, vào 4h sáng mỗi ngày.
Các thử thách được đặt ra theo mức độ từ dễ đến khó. Đến ngày thứ 50, người chiến thắng sẽ phải tự kết liễu cuộc đời mình. Trước đó, người chơi sẽ tự rạch tay (thường là rạch hình cá voi) để biểu lộ quyết tâm của mình.
Năm 2018, một nam sinh 12 tuổi ở Ai Cập tử vong do ngộ độc. Theo điều tra, cậu bé uống thuốc độc để tham gia một trong những thử thách của trò chơi này. Trên tay phải của em có một vết sẹo hình cá voi xanh, dấu hiệu nhận biết những người tham gia thử thách.
Ngoài ra, nhiều kênh YouTube sáng tạo video với nội dung cổ xúy bạo lực, khiêu dâm. Trong đó, các diễn viên thường hóa trang thành các nhân vật hoạt hình quen thuộc như Bạch tuyết, Nữ hoàng băng giá, Người nhện...
Thay vì hướng đến những nội dung lành mạnh, bổ ích, các video này thường thể hiện những hành động bạo lực, sử dụng dao, súng, thậm chí nhiều phân cảnh gợi dục, không phù hợp với trẻ nhỏ.
Năm 2019, một bác sĩ nhi khoa cảnh báo người dùng về đoạn video bạo lực được chèn vào Spatoon. Trong 10 giây xuất hiện, người đàn ông mang tên Filthy Frank sẽ hướng dẫn người xem tự rạch cổ tay.
Điều đáng nói là những video này thường xuyên xuất hiện trên YouTube Kids, nền tảng dành riêng cho trẻ em dưới 12 tuổi. Những video độc hại "núp bóng" phim hoạt hình xuất hiện tràn lan khiến nhiều phụ huynh không khỏi lo lắng.
Nhiều trẻ em tử vong vì làm theo thử thách trên mạng. Ảnh: Yeni Şafak. |
Bị phạt tù, xóa kênh
Toy Freaks là kênh YouTube của ông bố đơn thân Gregory Chism và hai cô con gái. Nội dung video xoay quanh cuộc sống thường ngày của gia đình 3 người ở Illinois, Mỹ. Tính đến năm 2017, kênh YouTube của người đàn ông này có hơn 8 triệu người đăng ký và gần 7 tỷ lượt xem, theo NCB News.
Tuy nhiên, Toy Freaks thường xuyên bị tố cáo vì những video "chơi khăm", lạm dụng trẻ em. Để gây chú ý và tạo tiếng cười cho khán giả nhí, gia đình 3 người thường đóng giả làm em bé và làm những hành động ngớ ngẩn, kỳ lạ.
Ở một video BuzzFeed News lưu lại, người cha thả một con ếch vào bồn khi hai cô con gái đang tắm, khiến một em hoảng loạn, la hét liên tục.
Trong một trường hợp khác, cô con gái lớn đút thức ăn cho em gái. Do thức ăn có vấn đề, bé gái đã phải nhổ ra ngay lập tức. Được biết, con gái của Gregory Chism chưa đầy 10 tuổi.
3 nhân vật trong các video của Toy Freaks thường trang điểm, ăn mặc kỳ quái và dùng những món đồ gây nguy hiểm như dao, kéo. Thậm chí, cô em từng dùng kéo cắt tóc và dùng máy hút bụi để cuốn tóc của chị gái.
Dù đạt hơn 8 triệu lượt đăng ký, Toy Freaks vẫn vướng phải sự phản đối từ nhiều phụ huynh và các nhà giáo dục.
Tiến sĩ Barbara Greenberg, nhà tâm lý học lâm sàng chuyên về các vấn đề gia đình và vị thành niên, nhận định những nội dung do Gregory Chism sản xuất là "phản giáo dục", "đáng lo ngại". Ông cho rằng chơi khăm con cái là điều phụ huynh không được làm và không nên đăng lên mạng.
"Ông ta đang xem con gái mình là công cụ kiếm tiền", nhà tâm lý học nhấn mạnh.
Đến tháng 11/2017, Toy Freaks chính thức bị xóa khỏi YouTube sau khi người dùng đồng loạt gửi khiếu nại. Johanna Wright, Phó chủ tịch quản lý sản phẩm của YouTube, cam kết sẽ mạnh tay xử lý những video "gắn mác gia đình" có nội dung không phù hơp.
Cũng trong năm 2017, kênh DaddyOFive bị yêu cầu ngừng sản xuất video do người xem phản ánh gay gắt. Cụ thể, Michael Christopher "Mike" Martin (chủ kênh YouTube) và vợ là Heather Martin, thường xuyên bày trò "chơi khăm" con trai, khiến các em hoảng loạn, thậm chí bật khóc.
Đối tượng bị vợ chồng Martin lôi ra làm trò đùa nhiều nhất là con trai út Cody. Trong một video, Cody bật khóc khi chứng kiến bố đập nát bộ đồ chơi yêu thích. Một lần khác, ông bố làm đổ mực ra nhà, sau đó đổ lỗi cho con trai. Cậu bé 9 tuổi bất lực vì không thể giải thích cho người khác hiểu.
"Mike" Martin từng bị khán giả chỉ trích vì lừa con trai Cody là con nuôi, khiến cậu bé bối rối, chực khóc. Nhiều người cho rằng hành vi và lời nói của YouTuber có thể khiến đứa trẻ tổn thương và ám ảnh trong thời gian dài.
Sau nhiều tranh cãi, video trên kênh DaddyOFive bị gỡ bỏ, Mike và Heather bị buộc ngừng sản xuất video. Theo New York Magazine, vào tháng 9/2017, cặp vợ chồng bị kết án 5 năm quản chế với tội danh tổn thương và bỏ rơi trẻ em.
Natasha Daniels, nhà trị liệu tâm lý trẻ em ở Arizona, Mỹ, cho biết trong nhiều năm làm trị liệu tâm lý, cô chứng kiến hàng loạt trẻ em bị rối loạn lo âu do xem video trên YouTube. Con số này tăng cao trong 5 năm trở lại đây.
"Trước đây, khi trị liệu cho trẻ, tôi phát hiện phần lớn đều bị lạm dụng hoặc bị người lớn tổn thương. Nhưng trong 5 năm gần đây, tôi nhận ra YouTube mới là thủ phạm", nhà trị liệu nói với CNBC News.