1. Không bị so sánh: Các nghiên cứu về sức khỏe tâm lý trẻ em chỉ ra lòng tự trọng và tinh thần của trẻ sẽ bị tổn hại nếu bị so sánh quá nhiều. Bị so sánh với "con nhà người ta", hay thậm chí so sánh với người thân trong nhà, sẽ khiến trẻ bất an, tự ti. Thay vì tạo ra môi trường dạy con độc hại, cha mẹ nên tập trung vào việc phát triển tiềm năng, lợi thế của trẻ. Khi được cha mẹ tin tưởng, coi trọng khả năng, trẻ sẽ cảm thấy hạnh phúc và tự tin thể hiện bản thân. Ảnh: FirstCry Parenting. |
2. Được công nhận: Các nhà tâm lý học trẻ em nhận thấy lời khen và sự công nhận giúp nuôi dưỡng sự tự tin cho trẻ. Đối với những đứa trẻ tự ti, sự công nhận như một món quà vô giá, giúp các em cố gắng, lạc quan và sẵn sàng đối diện với mọi thử thách. Cha mẹ có thể bắt đầu từ những lời khen đơn giản nhất như: "Cảm ơn con vì đã dọn phòng rất sạch sẽ", "Con đã làm bài tập rất tốt"... Ngoài ra, người lớn hãy khuyến khích trẻ tự phát triển điểm mạnh, sở thích của bản thân. Khi đó, các em sẽ nhận thấy bản thân được mọi người công nhận, ủng hộ. Ảnh: Parents. |
3. Được vui chơi: Mỗi đứa trẻ đều mong muốn được vui chơi cùng bạn bè, anh chị em. Các giáo sư tâm lý học tại Đại học Boston (Mỹ) chỉ ra vui chơi tạo cơ hội cho trẻ em học hỏi lẫn nhau. Ngoài ra, nó cho phép trẻ nâng cao trí tưởng tượng và phát triển nhiều kỹ năng xã hội khác. Vì thế, cha mẹ nên cho trẻ tự do vui chơi 30 phút - 1 giờ mỗi ngày. Ảnh: Star Academy Kids. |
4. Được bày tỏ cảm xúc: Trẻ nhỏ bày tỏ cảm xúc theo cách tự nhiên. Nhiều em chưa đủ khả năng để kiểm soát bản thân như người lớn. Vì thế, thay vì quát mắng, kìm hãm cảm xúc của trẻ, cha mẹ nên để các em thoải mái bộc lộ. Nếu trẻ khóc hoặc tức giận, bạn có thể bình tĩnh hỏi nguyên nhân, sau đó tìm cách xoa dịu. Khi được cha mẹ thừa nhận và tôn trọng mọi cảm xúc, trẻ sẽ cảm thấy bản thân được yêu thương, thấu hiểu. Ảnh: SCOTUSblog. |
5. Được hiểu về những cảm xúc tiêu cực: Cảm xúc tiêu cực là điều không tránh khỏi, cha mẹ không nên ép trẻ loại bỏ điều này hoàn toàn. Thay vào đó, hãy giúp các em hiểu rằng mọi người đều phải trải qua những cảm xúc này, và đó có thể là những kinh nghiệm sống hữu ích. Ví dụ, khi trẻ tức giận, cha mẹ nên giúp các em hiểu vì sao con người lại có những cảm xúc đó, điều gì tác động khiến con người trở nên như vậy. Sau đó, bạn hãy dạy trẻ cách xử lý khi bản thân hoặc người khác tức giận. Ảnh: UNICEF. |
6. Được lắng nghe: Dù là cha mẹ, hay là một nhà giáo dục, bạn nên cố gắng lưu tâm những vấn đề trẻ gặp phải trong cuộc sống hàng ngày. Giống như người lớn, trẻ cũng cảm thấy bất an, lo lắng, bối rối vì những vấn đề thường ngày. Khi đó, cha mẹ cần chủ động bắt chuyện, lắng nghe trẻ tâm sự. Dù gặp vấn đề gì, bạn nên bình tĩnh để hỗ trợ con tìm cách xử lý phù hợp nhất. Ảnh: Raising Children Network. |
7. Được dạy về ý thức trách nhiệm: Các chuyên gia tâm lý trẻ em phát hiện trách nhiệm và sự tự chủ giúp trẻ nhận thấy bản thân là người có năng lực và biết thích ứng với mọi hoàn cảnh. Ngược lại, nếu không được dạy về ý thức trách nhiệm, các em sẽ cảm thấy bản thân không được người lớn tin tưởng, từ đó dễ nảy sinh tâm lý tự ti, chán nản. Vì thế, cha mẹ có thể đặt ra một số nhiệm vụ nhỏ cho trẻ như dọn dẹp bàn học, trồng cây, chăm sóc thú cưng. Ảnh: Beverage Food & Tourism Festival. |