Dành thời gian cho bản thân sau khi đổ vỡ là điều cần thiết. Ảnh: Cottonbro Studio/Pexels. |
Sau khi chia tay, nhiều người quyết định hẹn hò ngay với người mới vì sợ cô đơn. Họ sử dụng các ứng dụng hẹn hò và liên tục gặp gỡ những đối tượng tiềm năng.
Một số người nhanh chóng xác lập mối quan hệ tình cảm mới. Tuy nhiên, sau thời gian đầu vui vẻ, họ lập tức phát hiện ra những vấn đề lặp lại. Các chuyên gia cho rằng họ chưa dành đủ thời gian cho bản thân sau đổ vỡ trước đó.
Dưới đây, Psychology Today đưa ra lý do bạn nên ở một mình một thời gian hậu chia tay.
Sợ cô đơn
Một cuộc chia tay có khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần và thể chất. Bạn phải trải qua tất cả cung bậc cảm xúc tiêu cực nhất.
Dành thời gian cho bản thân là một lời khuyên phổ biến. Tuy nhiên, đây không phải việc dễ dàng. Để thực sự ở một mình, bạn cần học cách tận hưởng cảm giác cô đơn.
Vì sợ cô đơn, nhiều người lập tức tìm kiếm đối tượng hẹn hò mới. Khi tình cờ gặp một người đúng “gu", bạn cho rằng bản thân đã sẵn sàng bước vào mối quan hệ mới.
Thời gian đầu, họ nhắn tin cho bạn mỗi ngày, ưu tiên lịch hẹn với bạn, hỏi thăm và lắng nghe khi bạn cần chia sẻ. Nhưng chỉ vài tháng sau, bạn nhận ra sự tương đồng giữa mối quan hệ mới và mối quan hệ cũ.
Nhiều người nhanh chóng thiết lập mối quan hệ mới sau chia tay và lại một lần nữa đổ vỡ. Ảnh: Cottonbro Studio/Pexels. |
Bạn bắt đầu soi xét và bắt lỗi đối phương. Sau một thời gian hẹn hò, họ không còn thường xuyên liên lạc và dành nhiều thời gian lắng nghe tâm sự. Khi họ không đáp ứng được những kỳ vọng, bạn lập tức cảm thấy thất vọng và tổn thương.
Mối quan hệ đi đến hồi kết. Bạn quay trở lại trạng thái độc thân. Tuy vậy, lần này bạn cảm thấy rối bời hơn bởi cho rằng bản thân đã cố gắng nhiều cho mối quan hệ mới.
Sau khi chia tay một cách chóng vánh, bạn nhận ra vấn đề nằm ở bản thân. Lúc này, việc ở một mình là bắt buộc. Nếu tiếp tục không dành thời gian cho chính mình, bạn sẽ lại yêu khi chưa sẵn sàng.
Chữa lành một mình
Khi thực sự ở một mình, bạn có thể trải nghiệm mọi cung bậc cảm xúc. Nhiều người chia sẻ rằng họ gặp khó khăn với vấn đề này. Thay vì tận hưởng, họ có xu hướng chối bỏ cảm xúc của chính mình.
Những người này không muốn trải qua cảm giác buồn bã hay cô đơn. Vì thế, họ ép buộc bản thân tìm cách vượt qua. Họ thiếu kiên nhẫn và muốn “đốt cháy" giai đoạn.
Bạn cần để mọi cảm xúc tiêu cực diễn ra một cách tự nhiên. Khi dám đối mặt và hiểu rõ những cảm xúc xấu, bạn mới có thể học cách loại bỏ chúng.
Khi ở một mình và đối mặt với những cảm xúc tiêu cực, bạn học được cách loại bỏ chúng. Ảnh: Andrea Piacquadio/Pexels. |
Tiếp theo, bạn cần xác định những điều muốn nhận được từ nửa kia. Đó có phải những điều bạn tự đáp ứng được cho bản thân không? Nếu không, bạn nên tự nỗ lực trước khi đưa ra yêu cầu đối với người khác.
Nhiều người nghĩ rằng họ xứng đáng được yêu thương. Tuy nhiên, họ chưa biết cách yêu bản thân mình.
Khi thấu hiểu bản thân, bạn có thể thay đổi một cách tích cực và sẵn sàng bước vào một mối quan hệ mới. Tuy vậy, quá trình này đòi hỏi sự kiên nhẫn và bền bỉ. Bạn không thể nhận được kết quả rõ ràng ngay lập tức.
Sẵn sàng yêu
Trong quá trình quan sát bản thân, bạn cần liên tục kiểm tra mức độ sẵn sàng của mình. Bạn có thể thử quay lại cuộc sống hẹn hò để tự đánh giá.
Nếu bạn cảm thấy lo lắng khi ai đó không nhắn tin trả lời ngay lập tức, bạn có lẽ chưa sẵn sàng yêu. Lúc này, bạn cần lùi lại một bước và tiếp tục làm việc với chính mình.
Bạn cần đánh giá mức độ sẵn sàng yêu trước khi bước vào mối quan hệ mới. Ảnh: Katerina Holmes/Pexels. |
Một cách khác để kiểm tra sự sẵn sàng là nghĩ về những điều bạn có khả năng cho đi. Tình yêu là mối quan hệ cho đi và nhận lại. Bạn không thể chỉ đòi hỏi đối phương mà không dành cho họ tình yêu thương vô điều kiện.
Cuối cùng, sự sẵn sàng xuất hiện khi bạn dám chia sẻ mọi thứ với người kia. Đây là dấu hiệu bạn đã thực sự tin tưởng và cảm thấy an toàn khi ở bên cạnh họ.