Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bắt chủ hãng hãng rượu làm 5 người chết

Chiều 10/12, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh quyết định bắt khẩn cấp 3 người làm việc ở Công ty cổ phần XNK 29 Hà Nội, trong đó có giám đốc công ty.

Sáng cùng ngày, đại diện Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm (PCTP) về môi trường Công an Hà Nội cho biết đã phối hợp với Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an Quảng Ninh đưa ông Nguyễn Duy Vường (46 tuổi), Giám đốc Công ty Cổ phần XNK 29 Hà Nội và 2 kỹ thuật viên pha chế rượu của công ty về trụ sở cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh để điều tra, làm rõ.

Do dùng rượu của công ty này, 5 người tại Quảng Ninh đã chết. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh này đã ra quyết định khởi tố vụ án Vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Loại rượu khiến 6 người chết.

Đại tá Doãn Hữu Châu, Trưởng phòng Cảnh sát môi trường (Công an Hà Nội) cho hay, về nguồn nguyên liệu từ đâu để sản xuất rượu, Sở Y tế đã lấy mẫu, điều tra làm rõ. Ông Châu nhận định không loại trừ, nguồn nguyên liệu này không chỉ cung cấp cho công ty này mà còn cho các cơ sở khác.

Tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều 10/12, trả lời câu hỏi về trách nhiệm để xảy ra vụ việc, bà Nguyễn Như Mai - Phó giám đốc Sở Công thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội cho hay, trách nhiệm trước hết thuộc về ngành công thương và các ngành liên quan theo phân cấp quản lý.

Bà Mai cũng cho hay, từ đầu năm tới nay, cơ quan chức năng đã kiểm tra 76 vụ việc liên quan tới sản xuất, buôn bán rượu, phạt hơn 854 triệu đồng và hơn 12.000 chai rượu phải xử lý.

Không trả lời vào câu hỏi, liệu rượu trên thị trường Hà Nội có đảm bảo hay không, bà Mai cho rằng, "trước tiên đơn vị sản xuất rượu phải chịu trách nhiệm. Chúng tôi kiểm tra và hậu kiểm trên địa bàn. Chi cục có chỉ có 500 công chức với 32 đội QLTT nhưng phải bao quát nhiều nội dung".

Bà trần tình, năm qua các đơn vị phải kiểm tra 9.000 vụ, phát hiện vi phạm 8.000 vụ, số tiền phạt trên 100 tỷ đồng và trên 20 tỷ hàng hóa tiêu hủy.

"Có đội chỉ có 6 công chức QLTT. Lực lượng này để QLTT cho tết, chúng tôi đã không nghỉ cả ngày thứ 7, làm ngày làm đêm. Xảy ra việc này có một phần trách nhiệm của chúng tôi khi chưa kiểm tra hết được. Chúng tôi hứa tăng cường kiểm tra trong đó có mặt hàng rượu", bà Mai nói.

Bà Phó giám đốc Sở Công thương cũng lý giải thêm tại sao không đình chỉ sản xuất cơ sở này bởi vì, vi phạm vệ sinh ATTP trong mức độ quy định pháp luật thì chưa thể đình chỉ được, chỉ xử phạt hành chính và yêu cầu doanh nghiệp khắc phục.

"Chưa bao giờ xảy ra vụ việc với hàm lượng methanol vượt quá mức như thế này. Cơ quan điều tra đang tiếp tục điều tra và chưa thể thông báo cơ sở cung cấp cồn nguyên liệu được" - bà Mai nói.

Liên quan tới Sở Y tế, các phóng viên đặt câu hỏi việc, giấy phép Sở Công Thương cấp cho công ty này được sản xuất rượu vào ngày 6/1/2010 nhưng tại sao, Sở Y tế đã có giấy phép chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm… từ tháng 5/2009. Liệu Sở Y tế đã xuống cơ sở này để xem xét họ sản xuất như thế nào?

Cũng không trả lời trực tiếp vào câu hỏi, ông Lê Đức Thọ, Chi cục trưởng Chi cục ATTP, Sở Y tế Hà Nội cho hay, việc cấp phép cho các cơ sở sản xuất rượu khi chưa có Luật an toàn thực phẩm năm 2011 thì thực hiện theo Quyết định 42 của Bộ Y tế.

Theo Quyết định đó, hồ sơ gồm: đăng ký kinh doanh ngành nghề phù hợp, xét nghiệm tiêu chí, tiêu chuẩn sản phẩm, bản công bố tiêu chuẩn sản phẩm theo quy định, thu phí và lệ phí. Trên cơ sở đó Sở Y tế cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn thực phẩm.

 

Bí thư Hà Nội: "Chúng tôi cảm thấy có lỗi trong vụ ngộ độc rượu"

Tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hai Bà Trưng, Hà Nội chiều 10/12, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho hay, “nghe dư luận phản ánh cơ sở sản xuất rượu nếp 29 Hà Nội mang tên Hà Nội chúng tôi cảm thấy thực sự có lỗi. Dù rằng, vụ ngộ độc gây chết người xảy ra không phải ở địa bàn sản xuất"

Bí thư đã chỉ đạo lãnh đạo UBND TP phải xử lý vụ này ở mức nghiêm nhất.

Cũng theo ông Nghị, việc quản lý sản xuất rượu chưa được chặt vì theo báo cáo của Sở Công Thương và Y tế hàng năm, hai đơn vị này đều kiểm tra nồng độ methanol ở cơ sở sản xuất rượu nếp 29 Hà Nội nhưng không phát hiện ra nồng độ có thể gây chết người.

Cùng đoàn tiếp xúc cử tri, Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu cho hay, TP đã cơ quan chức năng điều tra, xử lý nghiêm cá nhân liên quan. Đồng thời mong nhân dân khi nhìn thấy sản phẩn rượu nếp 29 thì không nên mua và cũng không nên uống.

 

 

 

Kiên Trung

Bạn có thể quan tâm