Theo The Korea Herald, giữa tháng 10, Chính phủ Hàn Quốc công bố dự thảo của lộ trình “Sống chung với Covid-19”. Tuy nhiên, ngay khi dự thảo được công bố, nhiều chuyên gia, nhà sản xuất trong ngành công nghiệp âm nhạc cáo buộc nó có thành kiến với ngành và đang kêu gọi thay đổi từ Chính phủ.
Tất cả hạn chế với sự kiện âm nhạc dần được dỡ bỏ
Một số tổ chức trong ngành công nghiệp âm nhạc gồm Hiệp hội các nhà sản xuất giải trí Hàn Quốc, Liên đoàn Quản lý Hàn Quốc, Hiệp hội Ca sĩ Hàn Quốc, Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Hàn Quốc, Hiệp hội Nội dung Âm nhạc Hàn Quốc, Hiệp hội Bản quyền Âm nhạc Hàn Quốc và các tổ chức khác - thông báo vào ngày 27/10 rằng họ đang kêu gọi Chính phủ đưa ra các biện pháp cân bằng xã hội hơn.
Theo lộ trình, vì tỷ lệ tiêm chủng của đất nước đã vượt qua 70%, hầu hết hạn chế hiện tại sẽ được dỡ bỏ theo từng giai đoạn đến cuối tháng 1, chấm dứt lệnh giới nghiêm vào ban đêm ở các quán cà phê, nhà hàng và cơ sở giải trí, tụ tập khác.
Các phòng biểu diễn nghệ thuật và rạp chiếu phim sẽ được phép mở cửa đến nửa đêm thay vì 22 giờ như hiện tại.
Theo hướng dẫn phân bổ hiện tại, các concert, sự kiện âm nhạc thường được tổ chức tại các sân vận động không thể diễn ra. Trong dự thảo của lộ trình “Sống chung với Covid-19” mà Chính phủ công bố, bắt đầu từ ngày 1/11, tối đa 100 người được phép tham dự các sự kiện âm nhạc bất kể tình trạng tiêm chủng của họ ra sao. Nếu tất cả đã tiêm chủng, số khán giả có thể tăng lên 500 người.
Tới ngày 13/12, Chính phủ không giới hạn số lượng khán giả tham gia đêm nhạc nếu mọi người được tiêm chủng đầy đủ. Tất cả hạn chế đối với sự kiện âm nhạc sẽ được dỡ bỏ vào ngày 24/1/2022.
Giới chuyên gia mong đợi những quy định công bằng hơn trong việc tổ chức sự kiện âm nhạc mới. |
Ngành công nghiệp âm nhạc thất vọng
The Korea Herald cho biết ngành văn hóa nói chung đang “ăn mừng” trước những thay đổi nhưng giới chuyên gia trong ngành công nghiệp âm nhạc chưa thể vui.
“Chúng tôi phải đợi Chính phủ công bố lộ trình cuối cùng, nhưng dự thảo sửa đổi nghe có vẻ phức tạp và rắc rối hơn so với các quy tắc phân chia cấp độ 3 đang được áp dụng ở nhiều nơi trên đất nước”, một người trong ngành công nghiệp âm nhạc nói với The Korea Herald.
Kim Myung Soo, giám đốc Hiệp hội các nhà sản xuất giải trí Hàn Quốc, bày tỏ sự thất vọng với kế hoạch dự thảo.
“Trước đây Chính phủ cho phép tổ chức đêm nhạc với giới hạn 4.000 khán giả trong các quy tắc phân cấp Cấp 3 vào tháng 6. Tuy nhiên, tôi không chắc con số 100 và 500 trong bước đầu tiên để thực hiện kế hoạch 'Sống chung với Covid-19' được đưa ra dựa trên tiêu chí nào", Kim Myung Soo nói với The Korea Herald.
“Tôi không thể hiểu tại sao các đội thể thao được phép tiếp nhận người hâm mộ tối đa 30% sức chứa của sân vận động. Trong khi đó, các sự kiện âm nhạc chỉ được phép có tối đa 500 người trong cùng một sân vận động. Các biện pháp mới rất khó hiểu theo nhiều khía cạnh”, giám đốc nói thêm.
Kim Myung Soo cho biết ngành công nghiệp âm nhạc đã nỗ lực để hợp tác với Chính phủ trong việc tuân thủ các biện pháp điều chỉnh, hoãn sự kiện, concert được chờ đợi từ lâu.
“Tôi thất vọng vì bản dự thảo của lộ trình nghe có vẻ Chính phủ đổ lỗi cho các sự kiện âm nhạc về làn sóng lây nhiễm thứ 4 đang diễn ra, đồng thời bỏ qua ảnh hưởng văn hóa của các nhóm nhạc thần tượng Kpop. Tôi hy vọng họ giúp chúng tôi có những sự kiện quy mô lớn thành công và quảng bá chúng trên khắp thế giới để Kpop được công nhận trên toàn cầu”, Kim Myung Soo bày tỏ.
Một quan chức từ công ty giải trí cho biết họ cũng đang trải qua tình huống có một không hai. Theo đó, họ đang phải cân nhắc kỹ lưỡng về việc có nên chia sẻ tin vui với người hâm mộ hay không.
“Công ty trở nên hơi miễn cưỡng khi thông báo buổi họp fan kết hợp trực tuyến, ngoại tuyến của nghệ sĩ trực thuộc đã bán hết vé. Tuy nhiên, nhiều người đang lo lắng về sự kiện trực tiếp”, người này cho biết.
"Tôi nghĩ điều này tương tự các sự kiện âm nhạc. Vì có quá nhiều thứ phải xem xét, bao gồm hướng dẫn về khoảng cách nên các công ty giải trí đang lo lắng việc có công bố hoặc thậm chí lên kế hoạch tổ chức sự kiện ngoại tuyến hay không. Điều này có thể trở thành một vấn đề nghiêm trọng nếu tiếp tục diễn ra", ông nói thêm.
Theo giới chuyên gia, nhiều người hâm mộ Kpop là thanh thiếu niên, do đó, họ mới bắt đầu tiêm phòng gần đây. Trong khi đó, hệ thống "thẻ tiêm chủng" sắp tới của Chính phủ, yêu cầu giấy chứng nhận tiêm chủng để vào các cơ sở, sự kiện tập trung nhiều người. Việc này khiến giới chuyên môn đặt ra câu hỏi về tính công bằng.
BTS biểu diễn ở sân vận động rộng lớn nhưng không có khán giả. Ảnh: Big Hit. |
Do đại dịch Covid-19, vào tuần trước, nhóm nhạc Kpop BTS đã tổ chức sự kiện âm nhạc trực tuyến toàn cầu đầu tiên sau khoảng một năm. Nhóm nhạc nam dự kiến lưu diễn, biểu diễn trực tiếp tại Los Angeles vào tháng 11 và tháng 12.
Trong sự kiện, các BTS cũng bày tỏ nỗi thất vọng khi phải biểu diễn trước những chiếc ghế trống rỗng mà không có khán giả.
“Tôi cảm thấy cảm xúc cạn kiệt khi nhìn vào những chiếc ghế trống đó. Tôi đã nhớ lại lần cuối cùng chúng tôi biểu diễn trước người hâm mộ tại sân vận động Olympic cách đây hai năm. Tôi liên tục được nhắc nhở về sự khác biệt của bây giờ so với thời điểm đó. Tôi nhớ những ngày xưa cũ”, thành viên J-Hope nói trong concert.
“Chúng tôi đã tổ chức concert hôm nay với chỉ 7 người là các thành viên. Đó là một thử thách lớn và chúng tôi phải đối mặt những nghịch cảnh, chẳng hạn làm thế nào để duy trì năng lượng cho đến cuối cùng”, J-Hope chia sẻ thêm.
Theo The Korea Times, đại dịch ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị trường ân nhạc Hàn Quốc, hàng chục nhóm nhạc đã tan rã trong năm 2020 và 2021. Hầu hết sự kiện âm nhạc Hàn Quốc đều được tổ chức dưới dạng trực tuyến do đại dịch Covid-19 kéo dài.
Tuy nhiên, lợi nhuận từ các sự kiện âm nhạc trực tuyến ít hơn nhiều so với thu nhập từ buổi biểu diễn có khán giả theo dõi trực tiếp vì giá vé rẻ hơn. Ngoài ra, một phần lớn lợi nhuận sẽ thuộc về chủ sở hữu nền tảng do đó hàng loạt công ty sản xuất sự kiện phá sản, nhân viên thất nghiệp.