Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bắt đầu xử phúc thẩm Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm

Sáng 28/11, TAND Tối cao Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm xét đơn kháng cáo của Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm. Dự kiến, phiên tòa kéo dài đến 8/12.

Sáu bị cáo kháng cáo sẽ được đưa ra xét xử gồm Nguyễn Đức Kiên (còn gọi là bầu Kiên, nguyên chủ tịch hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị ACB, nguyên phó chủ tịch hội đồng sáng lập ACB), Lê Vũ Kỳ (nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị ACB), Lý Xuân Hải (nguyên Tổng giám đốc ACB), Trịnh Kim Quang (nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị ACB), Phạm Trung Cang (nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị ACB) và Huỳnh Quang Tuấn (nguyên thành viên hội đồng quản trị ACB).

Bầu Kiên khá thoải mái trước phiên xử phúc thẩm. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Bầu Kiên khá thoải mái trước phiên xử phúc thẩm. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Bản án sơ thẩm đánh giá hành vi phạm tội của các bị cáo trong vụ án này là đặc biệt nghiêm trọng, gây ảnh hưởng rất xấu đến sự phát triển của nền kinh tế và tạo dư luận không tốt trong nhân dân.

Bầu Kiên: 'Nếu không xảy ra vụ án, tôi sẽ có nhiều ngàn tỷ'

"Tại thời điểm giao dịch 20 triệu cổ phần cho Thép Hòa Phát, tôi không có bất cứ khoản vay cá nhân nào. Nếu không xảy ra vụ án, tài sản của tôi sẽ có nhiều ngàn tỷ", bầu Kiên nói.

Bằng thủ đoạn tinh vi, lợi dụng kẽ hở của pháp luật nói chung và pháp luật về hoạt động ngân hàng nói riêng, các bị cáo đã thực hiện hành vi kinh doanh không đúng với quy định. 

Các bị cáo tạo ra dòng tiền và tài sản ảo, tiền chạy từ ngân hàng này sang ngân hàng khác, làm tăng trưởng tín dụng, lợi nhuận và tăng trưởng giá trị cổ phiếu ảo. Tiền mặt được ngân hàng huy động từ người dân lại được giao cho nhân viên gửi vào các ngân hàng khác để hưởng chênh lệch lãi suất.

Hành vi của các bị cáo gây chao đảo, lũng đoạn thị trường tài chính, tiền tệ trong nước ảnh hưởng xấu đến chính sách tài chính, chính sách quản lý thị trường. Nếu không có sự can thiệp kịp thời của Chính phủ và các cơ quan bảo vệ pháp luật thì hậu quả xấu xảy ra đối với thị trường tín dụng - ngân hàng còn nghiêm trọng hơn nhiều.

Trong các tội Kinh doanh trái phép và Trốn thuế, bị cáo Nguyễn Đức Kiên là người trực tiếp thực hiện hành vi kinh doanh mua bán cổ phần, cổ phiếu, góp vốn vào các doanh nghiệp... với tổng số tiền hơn 21.000 tỷ đồng

Thông qua việc chuyển toàn bộ lợi nhuận kinh doanh vàng trạng thái của công ty cho bà Nguyễn Thúy Hương thụ hưởng, cơ quan công tố cáo buộc bị cáo Kiên đã có hành vi trốn tránh nghĩa vụ nộp 25 tỷ đồng tiền thuế tại công ty B&B.

Ảnh: Tuổi Trẻ.
Ảnh: Tuổi Trẻ.

Về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Nguyễn Đức Kiên bị cáo buộc có hành vi lừa dối, sử dụng 20 triệu cổ phiếu của Thép Hòa Phát đang thế chấp tại ngân hàng ACB để bán cho công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát lấy 264 tỷ đồng. Nhưng sau đó, không chuyển giao cổ phiếu...

Bị cáo Trần Ngọc Thanh (nguyên Giám đốc công ty ACBI) và Trần Thị Hải Yến (nguyên Kế toán trưởng công ty ACBI) đóng vai trò đồng phạm giúp sức. Hai bị cáo này không kháng cáo.

Sau phiên tòa sơ thẩm, 6 bị cáo làm đơn kháng cáo. Trong đó, Nguyễn Đức Kiên kháng cáo toàn bộ bản án như quy kết.

Đỗ Mến

Bạn có thể quan tâm