Như vậy cho đến thời điểm này, ngoài bị cáo Trần Xuân Giá - nguyên Bộ trưởng Bộ KH-ĐT, nguyên Chủ tịch HĐQT ngân hàng ACB, vẫn được tại ngoại để chữa bệnh còn lại toàn bộ các bị cáo trong vụ án đã bị bắt giam.
Các bị cáo đã bị bắt gồm: Lê Vũ Kỳ, Huỳnh Quang Tuấn, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, Lý Xuân Hải, Trần Ngọc Thanh, Nguyễn Thị Hải Yến. Do bị cáo Trần Xuân Giá vẫn đang chữa bệnh nên cho đến thời điểm này TAND TP.Hà Nội vẫn chưa thể ấn định được lịch xét xử vào thời gian nào.
Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm tại phiên tòa ngày 16/4. |
Trước đó, phiên tòa xét xử vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm vào ngày 16/4 sau phần làm thủ tục đã bị hoãn do Trần Xuân Giá vắng mặt. Theo cáo trạng của Viện KSND Tối Cao, Nguyễn Đức Kiên bị buộc tội với 4 tội danh.
Đối với tội Kinh doanh trái phép, cơ quan công tố cáo buộc Kiên đã vay số tiền hơn 2.400 tỷ đồng của Ngân hàng ACB; sau đó sử dụng tiền vay mua cổ phần, cổ phiếu của một số ngân hàng, rồi dùng số cổ phần, cổ phiếu đó để thế chấp lại các khoản vay ban đầu tại Ngân hàng ACB, tạo ra vốn ảo, gây ảnh hưởng xấu đến chính sách tài chính, tiền tệ của Nhà nước.
Đối với tội Cố ý làm trái..., cơ quan công tố xác định từ tháng 5/2010 đến tháng 11/2011, Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo thường trực HĐQT của ACB ra chủ trương để ACB ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào các tổ chức tín dụng sai quy định; ủy thác cho 19 nhân viên gửi tổng cộng gần 719 tỷ đồng vào Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và Vietinbank chi nhánh TP.HCM với lãi suất trong hợp đồng 14%/năm, lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng từ 3,7-13%/năm.
Hành vi này đã vi phạm điều 106 Luật các tổ chức tín dụng và thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước quy định về trần lãi suất. Toàn bộ số tiền gửi này đã bị Huỳnh Thị Huyền Như - cán bộ chi nhánh Vietinbank Nhà bè, TPHCM chiếm đoạt.
Ngoài ra, từ tháng 5/2010 đến tháng 11/2011, bất chấp quy định về điều hành lãi suất của Nhà nước, Kiên đã chỉ đạo Ngân hàng ACB ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào 22 ngân hàng, thu số tiền chênh lệch ngoài hợp đồng hơn 247 tỷ đồng, làm ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ và điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ.
Đối với tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Viện KSND Tối cao cho rằng Kiên đã sử dụng pháp nhân công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội vay của Ngân hàng ACB 307 tỷ đồng thông qua phát hành trái phiếu để mua gần 30 triệu cổ phiếu của công ty cổ phần Thép Hòa Phát, sau đó lại dùng hơn 22 triệu cổ phiếu của Công ty này thế chấp cho Ngân hàng ACB để đảm bảo cho việc phát hành trái phiếu.
Ngày 15/5/2012, Kiên lại chỉ đạo nhân viên dưới quyền lập biên bản họp Hội đồng quản trị để quyết định chuyển nhượng 20 triệu cổ phần của công ty cổ phần Thép Hòa Phát, trị giá 264 tỷ đồng để bán cho công ty TNHH một thành viên thép Hòa Phát. Điều đáng lưu ý là 20 triệu cổ phần này nằm trong số hơn 22 triệu cổ phần đã được thế chấp cho Ngân hàng ACB để đảm bảo việc phát hành trái phiếu.
Như vậy, Nguyễn Đức Kiên cùng 2 đồng phạm là Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến có hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mang tài sản đã thế chấp đem bán nhằm chiếm đoạt 264 tỷ đồng.
Đối với tội Trốn thuế, Viện KSND Tối cao cáo buộc Nguyễn Đức Kiên là Chủ tịch HĐQT công ty CP đầu tư thương mại B&B không được phép kinh doanh vàng tại nước ngoài nhưng Kiên đã chỉ đạo ký các hợp đồng ủy thác, đầu tư tài chính có nội dung kinh doanh vàng ngoài lãnh thổ với ngân hàng ACB và bà Nguyễn Thúy Hương (em ruột Nguyễn Đức Kiên).
Lợi nhuận trong thời gian từ 12/2008 - 6/2009 là 68,8 tỷ đồng. Khi quyết toán thuế năm 2009, B&B chỉ kê khai khoản thu nhập 1% (hơn 688 triệu đồng) được chia chứ không có khoản hơn 68 tỷ đồng đã chi trả cho bà Hương.
Hợp đồng ủy thác của bà Nguyễn Thúy Hương và B&B là không hợp pháp vì công ty này không được Ngân hàng Nhà nước cấp phép kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài. Bằng cách chuyển lợi nhuận từ doanh nghiệp sang cho cá nhân, Nguyễn Đức Kiên đã trốn số tiền thuế của nhà nước là 25 tỷ đồng.