Sáng 14/5, trao đổi với báo chí, Trưởng Ban tuyên giáo tỉnh Bình Dương Võ Minh Giao xác nhận thông tin tối 13/5, cơ quan công an tỉnh đã tiến hành tạm giữ nhiều người quá khích, cầm đầu nhóm đập phá công ty nước ngoài để điều tra làm rõ vụ việc. Ông Giao cũng cho biết tỉnh sẽ cử đoàn công tác đến động viên và lên kế hoạch bồi thường cho các doanh nghiệp bị thiệt hại.
"Hiện tình hình tại Bình Dương đã bình thường trở lại. Tỉnh cũng như công đoàn các khu công nghiệp Bình Dương sẽ tuyên truyền, vận động, ổn định tư tưởng cho các công nhân để họ tiếp tục làm việc cũng như có các giải pháp đền bù thiệt hại cho doanh nghiệp", ông Giao thông tin.
Đến chiều 14/5, theo Người lao động, Công an Bình Dương kết hợp với Bộ Công an đã bắt giữ hơn 400 người. Thiếu tướng Võ Thành Đức, Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cho biết lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo phải xử lý nhanh những người gây rối, hôi của, phá hoại các doanh nghiệp nước ngoài từ tối 13/5 đến nay.
Công nhân tuần hành ở Đồng Nai chiều 14/5. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương khuyến cáo: "Các bạn trẻ phải yêu nước một cách khôn khéo, không manh động. Việc Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép vào Việt Nam là việc lớn, ta phải giải quyết bằng luật pháp quốc tế và những quy định hợp tác. Đối với những người tham gia gây rối, tôi nhận định họ đã nhận thức sai lầm. Các em phải suy nghĩ cho chín chắn, làm chủ hành vi của mình".
Trước đó, ngày 13/5, hơn 8.000 công nhân công ty giầy Thông Dụng (vốn đầu tư của Trung Quốc, tại Khu công nghiệp Sóng Thần, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) đã đồng loạt xuống đường tuần hành phản đối giàn khoan HD-981 của Trung Quốc đặt trái phép trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.
Nhóm người đập phá tại một nhà máy trong KCN Sóng Thần chiều 14/5. |
Sau đó, hàng ngàn công nhân tại các công ty có vốn đầu tư Trung Quốc tại Khu công nghiệp VIệt Nam - Singapore cũng đồng loạt nghỉ việc tham gia vào đoàn tuần hành.
Đến đầu giờ chiều, trong đoàn tuần hành xuất hiện nhiều kẻ quá khích, kích động công nhân lao vào đập phá các công ty có vốn của Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc…
Các công ty từ đoạn cầu Ông Dầu (quận Thủ Đức, TP.HCM) đến Khu công nghiệp Sóng Thần (thuộc Dĩ An và Thuận An, Bình Dương) đều bị đập phá cổng, cửa kính. Một số đơn vị biết trước vụ việc nên cho công nhân nghỉ, sử dụng container chặn cửa chính. Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư của Mỹ, Nhật... treo cờ quốc gia mình để không bị phá phách.
Sáng 14/5, UBND tỉnh Bình Dương đã phát đi thông cáo báo chí khuyên người dân, công nhân giữ bình tĩnh, không để kẻ xấu lợi dụng kích động dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật. Theo ông Trần Văn Nam - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - cuộc tuần hành ngày 13/5 của công nhân diễn ra rất ôn hòa để phản đối Trung Quốc đặt giàn khoan HD-981 trên vùng biển Việt Nam nhưng đã bị một số đối tượng quá khích kích động.
Ông Nam cho biết lãnh đạo tỉnh trực tiếp đến hiện trường để chỉ đạo các ngành chức năng triển khai các biện pháp bảo vệ và ngăn ngừa tình trạng quá khích tiếp diễn; đồng thời ban hành chỉ thị chỉ đạo các cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể triển khai các biện pháp để bảo vệ tình hình.
“Tỉnh đang chỉ đạo xử lý nghiêm khắc những đối tượng lợi dụng tình hình đã gây rối, phá hoại tài sản của người dân, doanh nghiệp và của nhà nước. Chúng tôi cương quyết trấn áp những kẻ ép buộc người khác thực hiện hành vi trái pháp luật, đồng thời tập trung chỉ đạo nhanh chóng ổn định tình hình nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của các nhà đầu tư và của công nhân lao động”, ông Nam nói.