Nói một cách đơn giản hơn, điều mà huấn luyện viên Zidane làm được, đó là duy trì đẳng cấp của Real Madrid. “Đẳng cấp” có lẽ cùng là từ khóa tiêu biểu để lột tả diễn biến trong trận đấu này.
Đội hình ra sân của hai đội không hẳn khiến cho người hâm mộ phải bất ngờ. Gareth Bale ngồi dự bị dù sở hữu phong độ cực cao kể từ khi trở lại sau chấn thương là tiếc nuối duy nhất.
Sơ đồ chiến thuật của hai đội trong trận chung kết Champions League mùa giải 2017/18. |
Thật khó để định rõ một vị trí cụ thể cho Isco. Anh được phép di chuyển rộng khắp mặt sân, chơi ở cả hai cánh, không phụ thuộc vào tình huống bóng nhất định. Cầu thủ người Tây Ban Nha cũng là gương mặt gần như duy nhất hỗ trợ cho 3 tiền vệ trung tâm trong các tình huống phòng ngự, còn Karim Benzema và Cristiano Ronaldo hầu như được giải phóng khỏi trách nhiệm này.
Bên phía Liverpool, họ tiếp tục áp dụng sơ đồ 4-3-3 đã làm nên thành công trong mùa này. Đây cũng là một trong những điểm nhấn chính của trận đấu. Cấu trúc đội hình của Liverpool có một số đặc điểm vận hành mang tính tập luyện bài bản và quen thuộc, sẽ được nhắc tới trong phần dưới đây.
Khi 2 hệ thống chiến thuật đối đầu với nhau, có hai trường hợp xảy ra. Trường hợp thứ nhất là một trong hai đội, hoặc cả hai đội cố gắng để khắc chế các đặc điểm, bài bản của đối thủ. Khi đó, cuộc chơi sẽ trở nên rất cân não và phụ thuộc nhiều vào việc bày binh bố trận của huấn luyện viên. Trường hợp thứ hai là khi cả hai đội đặt trọng tâm nhiều hơn vào việc thể hiện lối chơi của bản thân. Real Madrid và Liverpool đã cống hiến trận cầu theo hướng này.
Hệ thống áp sát của Liverpool
Nổi danh nhờ những màn pressing ngay trên phần sân đối thủ, Juergen Klopp thể hiện được cách điều hành trong hệ thống của Liverpool. Trước hết, cần nhắc tới cách họ vận hành sơ đồ 4-3-3. Bộ ba tiền vệ trung tâm được vận hành theo cách tương đối phổ biến, trong đó Jordan Henderson thường lùi sâu hơn trong cả tấn công lẫn phòng ngự, Georginio Wijnaldum và James Milner chơi hai bên.
Chính bộ ba phía trên mới là điểm đáng lưu ý ở Liverpool. Người chơi chính giữa là Roberto Firmino thường có xu hướng lùi lại để tham gia gây áp lực, tranh chấp khi phòng thủ hoặc làm bóng, kiến tạo khi tấn công. Hai tiền đạo còn lại gồm Sadio Mane và Mohamed Salah không hề bám biên, thay vào đó họ hoạt động ôm vào bên trong. Hai khu vực có tên chuyên môn là “hành lang trong” (từ gốc bắt nguồn từ tiếng Đức: “halbraum”).
Trước kia, sân bóng đá theo quan niệm cổ điển thường được chia thành 3 phần theo chiều dọc, gồm trung lộ và hai biên. Những “giáo sư” như Louis Van Gaal, Arsene Wenger từng có nhiều phân tích lý thuyết về cách xây dựng đội bóng dựa trên góc nhìn này.
Tuy nhiên, trong nỗ lực chi tiết hóa công tác chiến thuật và vận hành, các HLV hàng đầu ngày nay như Pep Guardiola, Thomas Tuchel, Max Allegri hay chính Juergen Klopp thường chia sân thành 5 phần theo chiều dọc, trong đó xuất hiện khu vực “hành lang trong” nằm giữa hai biên và trung lộ (3 khu vực cổ điển này giờ đây diện tích giảm xuống theo góc nhìn mới).
Hệ thống bố trí phòng ngự của Juergen Klopp với các “hành lang trong”. |
“Hành lang trong” được xem là quan trọng, bởi từ khu vực này, cầu thủ sẽ có khả năng phân phối bóng hiệu quả trên khắp mặt sân. Chỉ trung lộ là nơi có tầm điều bóng tốt hơn nữa, nhưng thông thường đối thủ luôn che chắn rất kín khu vực này. So với việc bóng lăn hai biên, một tình huống diễn ra khi bóng lăn ở “hành lang trong” là khó đối phó hơn rất nhiều.
Bóng đá hiện đại chứng kiến vô số những chuyên gia hoạt động trong hai dải đất này, trong đó Toni Kroos và Luka Modric chính là điển hình tiêu biểu. Dĩ nhiên, Juergen Klopp áp dụng công tác che chắn “hành lang trong” không chỉ trước Real Madrid, nhưng trước đối thủ này, việc đó càng được đề cao hơn.
Cách bố trí nói trên cũng là phương pháp tạo điều kiện tối đa cho bộ ba tiền đạo Firmino - Salah - Mane hoạt động khi phản công nhanh. Bản thân việc đã sẵn có mặt tại “hành lang trong” là một tác nhân quan trọng để Salah và Mane thỏa sức phô diễn phẩm chất của mình khi đội giành lại bóng.
Trong 30 phút đầu tiên của trận đấu, Liverpool vận hành rất tốt hệ thống mà Juergen Klopp sắp đặt, qua đó ngăn chặn khả năng chuyền xuyên tuyến rất nguy hiểm của bộ đôi Modric - Kroos.
Liverpool che chắn rất tốt các “hành lang trong” . |
Ngoài ra, cần nhắc tới sự tập trung, cường độ áp sát rất cao của các cầu thủ áo đỏ. Đây cũng là một phần lý do khiến cho 30 phút đầu trận là khoảng thời gian hầu như Real Madrid không thể lên bóng. Liverpool đã triệt tiêu các pha tổ chức của đối thủ ngay từ giữa sân hoặc trên cao. Một số thống kê của WhoScored phản ánh điều này.
Bản đồ các tình huống để mất bóng – Real màu cam, Liverpool màu xanh. Ảnh: WhoScored. |
Bản đồ trên cho thấy chỉ trong 30 phút đầu hiệp, Real để mất bóng tới 8 lần, 50% trong số đó diễn ra ngay trên sân nhà, 2 trong số đó thậm chí còn xuất hiện tại vòng cấm địa của thủ thành Keylor Navas.
Real phòng ngự, nhưng 3 tiền vệ là không đủ
Thực tế trong bóng đá đôi lúc người ta phải lựa chọn những sự đánh đổi. Ví dụ, tại Real Madrid, nhiều mùa giải qua, người ta đánh đổi những lỗ hổng trong hàng phòng ngự để những ngôi sao tấn công bớt tiêu tốn năng lượng hơn.
Trong hầu hết tình huống đối thủ lên bóng, Real chỉ phòng ngự với từ 7 đến 8 cầu thủ (không tính thủ môn). Đó là sự khác biệt lớn với hầu hết đại diện tiêu biểu của bóng đá hiện đại khi thường luôn là cả đội hình cùng đóng góp phòng thủ, mà Liverpool chính là điển hình.
Real thường chỉ phòng ngự với 4 hậu vệ, 3 tiền vệ và Isco . |
Cũng cần khẳng định rằng nhiều thời điểm trên sân, hệ thống phòng ngự của Real vận hành một cách hoàn toàn thiếu đồng bộ, dẫn tới nhiều sơ hở. Một ví dụ ở phút thứ 23 của trận đấu.
Isco và Ronaldo tự dâng lên áp sát nhưng không có sự đồng bộ từ phía sau, Liverpool dễ dàng chuyền bóng xuyên qua áp lực. |
Thiếu sự đồng bộ, cự ly các tuyến dễ dàng trở nên bị kéo giãn và khoảng trống rất lớn lộ ra . |
Hệ thống kéo giãn khiến các cầu thủ phản ứng bị động, ba tiền vệ không thể quán xuyến hết, khoảng trống trung lộ vẫn còn nguyên. |
Suýt chút nữa Liverpool có cơ hội mở tỷ số nếu như Milner chuyền tốt hơn trong pha bóng này . |
Cộng với sự hiệu quả trong hệ thống áp sát của Liverpool, không ngạc nhiên khi trong 30 phút đầu tiên đội bóng thành phố cảng nước Anh kiểm soát thế trận, tạo ra tổng cộng 9 cú dứt điểm, 6 trong số đó diễn ra trong vòng cấm địa (theo WhoScored). Cùng thời điểm, Real Madrid chỉ 2 lần gây áp lực lên khung thành Loris Karius.
Những điều chỉnh của HLV Zidane
Dĩ nhiên, thế mạnh của Real không phải là phòng ngự, dù họ có những cái tên như Sergio Ramos, Raphael Varane hay Casemiro. Điều khiến cho Real đáng sợ là thái độ hầu như không hề mảy may run rẩy trước vũ bão nhất thời.
Một trong những lý do khiến quãng thời gian khoảng 30 phút đầu trận của Real khó khăn cả trên mặt trận tấn công là sự thiếu thốn nhân lực cho tuyến trên. Cả Dani Carvajal và Marcelo đều rất ít dâng cao một cách chủ động trong giai đoạn này.
Real không chủ động mở rộng đội hình. |
Có thể quan sát được sự thận trọng của bộ tứ vệ Real khi đội đang kiểm soát bóng. Hai trung vệ Varane và Ramos không chủ động mở rộng sang biên để tạo tư thế hỗ trợ, hai hậu vệ biên Carvajal và Marcelo cũng không chủ động di chuyển chọn vị trí cao như thường thấy.
Việc những cái tên này giữ nguyên hệ thống gần nhau phía sau giống như sự “bảo hiểm” cho các trường hợp bị phản công, chí ít họ cũng sẽ có quân số để ứng phó nếu đối thủ ào lên.
Trong những tình huống hiếm hoi Carvajal và Marcelo dâng lên, người đồng cấp cánh đối diện sẽ ở lại. Ngoài ra, Modric và Kroos cũng không có xu hướng hỗ trợ đầy đủ.
Một tình huống hiếm hoi Marcelo dâng cao, Real vẫn không đủ quân số tấn công . |
Bắt đầu từ thời điểm Salah gặp chấn thương ở phút thứ 26, sự thay đổi rõ rệt về thái độ xuất hiện. Các hậu vệ của Real không ngần ngại mở rộng, toàn đội hình dâng cao hơn và bắt đầu có những pha tổ chức tấn công rõ ràng.
Carvajal và Marcelo dâng cao, Ramos mở rộng . |
Cũng chính Marcelo là người kiến tạo 2 bàn trong trận đấu này cho “người hùng” Gareth Bale, một điều không mấy bất ngờ. Bản thân Bale cũng là một sự điều chỉnh quan trọng khác của Zidane dù không quá phức tạp.
Hệ thống phòng ngự của Liverpool chặt chẽ ở “hành lang trong” và trung lộ, nhưng khi nghiêng theo hướng bóng, phía đối diện sẽ vô cùng rộng rãi. Trong hiệp một, Isco và Benzema tuy hoạt động rộng và tích cực, nhưng họ không mang tới yếu tố đột phá từ biên đối diện. Khi Bale xuất hiện, anh lập tức trở thành “chìa khóa” của Real theo cách ấy.
Hệ thống của Liverpool nghiêng qua cánh phải, cánh trái trở nên lộ liễu . |
Có thể phân tích thêm về hình ảnh trên rằng Andrew Robertson và Virgil van Dijk đã sai kỹ thuật khi không mở người để có thể quan sát được rộng hơn. Nhưng sau cùng, cú sút từ xa của Bale cũng trở thành bàn thắng vì lý do quan trọng nhất là khoảnh khắc thiếu tập trung của Loris Karius.
Champions League của những khoảnh khắc
Những HLV hàng đầu sẽ nói với bạn rằng, trong thành công của họ, chiến thuật chỉ đóng góp một phần, dù rất quan trọng. Điều quan trọng nhất vẫn là các cầu thủ. Champions League lại là cuộc chơi của những khoảnh khắc. Nếu đã mắc sai lầm trong vòng knock-out, không có cơ hội để sửa sai nhiều như chặng đường giải của cấp vô địch quốc gia.
Chính Real Madrid thực ra cũng mắc những sai lầm trong khoảnh khắc. Ở bàn thua duy nhất trận này, mọi thứ bắt đầu từ việc Casemiro không giữ khoảng cách hợp lý với Dejan Lovren.
Lovren di chuyển nhằm thoát người kèm, Casemiro bám theo nhưng không áp sát . |
Khi bóng được tạt vào, Casemiro cũng không còn nhìn người mà chỉ nhìn bóng, cự ly chạy đà cho Lovren lại rất nhiều . |
Marcelo cũng không thể chối lỗi trong trường hợp này. Là người đứng chắn góc gần khung thành, nhưng sau khi bóng vượt qua vị trí của bản thân, anh đã không tập trung liên tục với tình huống, dẫn tới việc Mane di chuyển cắt mặt ghi bàn.
Marcelo mất tập trung ở khu vực mình phụ trách . |
Trận chung kết đôi lúc được quyết định nhờ việc bên nào mắc lỗi nhiều hơn, và bên nào tận dụng lỗi của đối thủ tốt hơn. Bàn thắng đầu tiên của Gareth Bale là minh chứng. Dù đó là siêu phẩm hàng đầu của ngôi sao người xứ Wales, không thể không chỉ ra những sai lầm của Liverpool.
“3 đánh 3” trong vòng cấm địa, Liverpool có quá chủ quan trước Benzema, Ronaldo và Bale? |
Benzema và Ronaldo di chuyển chéo, cả ba hậu vệ của Liverpool bị hút theo. Tất cả những đôi mắt áo đỏ vẫn tập trung vào trái bóng. |
Sau cùng là hai sai lầm của Karius. Iker Casillas nói rằng làm thủ môn rất khó, bởi các cầu thủ khác mắc lỗi chưa chắc đã sao, nhưng thủ môn mắc lỗi thì chắc chắn tủi nhục vì bàn thua sẽ đến.
Pep Guardiola nói rằng Manuel Neuer là thủ môn số một, đơn giản vì anh ta có khả năng giữ sự tập trung suốt 90 phút trong mọi trận đấu. Karius, trong trận đấu quan trọng nhất cho tới nay của sự nghiệp, không giữ được sự tập trung.
Liverpool áp đảo trong 30 phút đầu tiên của trận đấu, nhưng chừng đó rõ ràng là chưa đủ. Trong hiệp 2, họ hầu như không còn thể hiện được hình ảnh tập trung cao độ, thể lực sung mãn như giai đoạn đầu trận. Điều này thực ra nhiều lần thể hiện tại Premier League. Điểm yếu của Liverpool thực ra cũng chính là điểm mạnh của Real Madrid: Sự ổn định và đẳng cấp. Real ổn định đến khó tin. Một lần nữa, họ giương cao cúp vô địch.