Bật mí thuở Trịnh Công Sơn là thầy giáo
Người đời nhắc đến Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ, nhưng cả cuộc đời ông vẫn tự hỏi “Tôi là ai, là ai…?”. Và trong phần đời ông có bóng dáng của nghề giáo.
Nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, Đêm nhạc xưa và những tình khúc Trịnh Công Sơn diễn ra ngày 19/11 tại Nhà hát Lớn sẽ được các ca sĩ Hồng Nhung, Đàm Vĩnh Hưng, Thu Minh, Tấn Minh… hát để nhớ về một người thầy. Câu chuyện dưới đây được thầy Tạ Quang Sum kể lại.
Trịnh Công Sơn 25 tuổi, vừa tốt nghiệp trường Sư phạm Quy Nhơn. Mang theo một mối tình mới người con gái xứ Huế đẹp mà “nắng hờn ghen môi, mây hờn ghen tóc” đến ẩn dật ở nơi chênh vênh “chỉ có người với trời”, thị trấn B’Lao với nghề thầy giáo. Theo thầy giáo Tạ Quang Sum - Hiệu trưởng trường THPT Trần Hưng Đạo (Cam Ranh, Khánh Hòa) thì thầy Trịnh Công Sơn đã trở về làm giảng viên của trường Đại học Khoa học Huế. Sau giải phóng, trường đổi tên là Đại học Tổng hợp Huế, nay lấy lại tên Đại học Khoa học Huế.
Trịnh Công Sơn của năm tháng cũ, thời làm thầy giáo. |
Đã tròn 1 thập kỷ người thầy giáo - nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn khuất núi, những ấn tượng về ông, từ khi thầy Sum còn sinh viên vẫn nguyên vẹn như thuở nào. "Từ niên khoá 1973 – 1974, trường Đại học Khoa học Huế tổ chức dạy nhiều tín chỉ nhiệm ý cho sinh viên các năm cuối.
Trong đó, tín chỉ “Nhạc Trịnh Công Sơn” được sinh viên ghi danh học đông nhất. Với Huế, Trịnh Công Sơn như là một công dân danh dự. Còn với với Đại học Huế, Trịnh Công Sơn là người “Anh” rất thân thương của mọi thế hệ.
Trong trí nhớ, thầy Sum vẫn còn hằn in: Ngày mở đầu tín chỉ, thầy Sơn đến trường trên chiếc xe đạp cuộc màu trắng, áo xanh da trời nhạt, quần Jean trắng, mũ phớt trắng và cặp kính cận gọng đồi mồi… Bao nhiêu năm rồi, trong kí ức những con người của một thời Đại học Huế đã xa, vẫn hiển hiện bóng hình người thầy – người nhạc sĩ tài hoa nổi bật trên sân trường Đại học Khoa học buổi sáng ngày hôm ấy.
Thầy khoan thai bước lên bục giảng trong sự đợi chờ háo hức của hàng trăm sinh viên trẻ ngồi kín giảng đường C. Ai cũng mong và tin là sẽ được nghe thầy Sơn giảng về từng bài hát mà giai điệu và ca từ thì rất riêng – không thể lẫn lộn với ai, mà thầy đã viết cho mình, cho người, cho đời….
Những đôi mắt lấp lánh, cổ ngẩng cao để được nhận cho bằng hết lời nói nhỏ nhẹ của thầy. Nhưng suốt buổi sáng hôm ấy, thầy dạy chúng tôi cách kẻ dòng, cách ký hiệu nốt nhạc và các loại khoá. Những buổi học sau là xướng âm, thẩm âm, và nhiều chi tiết khác về nhạc lý mà mỗi người học nhạc sơ cấp cần phải học.
Thầy làm việc rất nghiêm túc, đến đúng giờ. Đặc biệt thầy Sơn không hút thuốc trong suốt buổi dạy, có lẽ đó là sự chịu đựng lớn nhất của người nghiện thuốc như thầy trong một ngày. Chữ viết trên bảng đẹp trình bày trang nhã mẫu mực, phản ánh phong cách sư phạm của một thầy giáo đã từng học và tốt nghiệp từ trường Sư phạm Quy Nhơn vang tiếng một thời của miền Trung.
Thỉnh thoảng thầy dừng lời giảng, mời một ai đó đứng lên xướng âm một đoạn ngắn trong bài hát tự chọn. Thầy tỏ ra lơ đãng khi người hát chọn nhạc phẩm của thầy.
Cuối cùng cũng đến phút chia tay thật cảm động, khi một cặp sinh viên thay mặt lớp lên tặng hoa thầy. Cây đàn guitar gỗ được mang ra trao vào tay thầy với lời mời thật thiết tha. Thầy tần ngần một lát rồi hát tặng lớp bài Để gió cuốn đi. Giảng đường im ắng, những người trẻ lặng nghe như nuốt vào mình lời ca thông điệp: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng…”.
Mười năm rồi thầy lìa cõi tạm, thầy thôi ở đậu cành tre – ở trọ trong khe nước nguồn. Thầy đã có Một cõi đi về riêng cho mình, không còn chiêm bao! Thầy đi Bỏ lại con đường. Ngàn dâu cố quận muôn trùng nhớ thêm.
Miên man trong nỗi nhớ, bao lứa học trò của thầy Sơn thầm ước: “Phải chi có một dòng sông đời vĩnh cửu, mà thầy là con trăng, để những đứa học trò của thầy từ B’lao, đến tận Huế xa xôi… Hoài niệm thầy trong câu hát: "Thầy đi! Nhớ chóng về….”.
Trịnh Công Sơn. |
Theo VTC