Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bất ngờ bị đổ lỗi ngược khi chia sẻ bị quấy rối trên TikTok

Ghi lại cảnh bị quấy rối làm bằng chứng và chia sẻ lên nền tảng video, không ít cô gái bị bắt nạt, đổ lỗi ngược, thậm chí cho là dàn dựng để câu view.

Nhiều cô gái quay lại cảnh bị bám đuôi, quấy rối và đăng lên mạng. Ảnh chụp màn hình.

Một ngày tháng 6, Yula Delcore (Mỹ) lên phà ở Larkspur, California để đến thăm bạn trai ở Santa Rosa. Hành trình này không khó khăn với cô gái 22 tuổi bởi mỗi tuần cô đều đi một lần. Song hôm đó, khi đang xuống phà, Delcore nghe thấy một người đàn ông gọi cô từ phía sau. Cô nhận ra người này đang theo dõi mình.

“Tôi bảo anh ta: ‘Trước khi anh có ý định gì, tôi nói luôn là tôi có bạn trai rồi, tôi không hứng thú gì đâu’ và anh ta đáp: ‘Tôi không quan tâm’”, Delcore kể với Insider.

Khi người đàn ông vẫn bám theo, cô gái 22 tuổi lấy điện thoại ra.

“Anh ta làm tôi khó chịu đến mức phải quay phim lại. Khi đó xung quanh không có ai khác, vì vậy tôi nghĩ nếu có chuyện gì xảy ra, ít nhất tôi cũng có gì đó làm bằng chứng”.

Vài năm gần đây, việc ghi hình các trường hợp quấy rối hoặc phân biệt đối xử rồi đăng lên mạng ngày càng phổ biến, đặc biệt trên TikTok, và thường nhận được nhiều sự quan tâm. Như trường hợp của Delcore, clip cô đăng có hàng trăm nghìn lượt xem.

Nhiều phụ nữ cho biết sau thời gian dài bị nghi ngờ, coi thường khi chia sẻ về việc bị quấy rối, họ coi đây là cách để thu thập bằng chứng không thể chối cãi. Tuy nhiên, một số người lại phải đối mặt phản ứng dữ dội, bị phủ nhận và bắt nạt trên mạng.

Phương tiện vạch mặt kẻ xấu

Hiện nay, khi gần như mọi người đều có điện thoại thông minh, việc ghi lại những tình huống rắc rối ngày càng phổ biến.

“Việc đó giống như giúp khẳng định tình trạng quấy rối xảy ra, thậm chí mỗi ngày, và giờ thì mọi người không thể phủ nhận nó”, Laurie Essig, giáo sư, nghiên cứu về giới tính, tình dục và nữ quyền tại Đại học Middlebury, Vermont (Mỹ) nói.

quay roi phu nu anh 1

Natalie Rose quay phim người đàn ông bám theo cô khi đang đi bộ.

Delcore cho biết cô quyết định đăng đoạn phim về hành vi quấy rối lên TikTok để có thể “phơi bày những thứ phụ nữ đã luôn phải trải qua” và không mong đợi có nhiều người xem nó ngoài 43.000 follower của mình.

Trước đây, những video cô đăng cũng chỉ dao động 1.000-5000 lượt xem, song đoạn phim về vụ việc nhận được hơn 530.000 lượt.

Delcore không phải người phụ nữ duy nhất thu hút sự chú ý qua những video như vậy. Natalie Rose, huấn luyện viên thể hình 29 tuổi, từng chia sẻ đoạn video quay cảnh một người đàn ông bám theo cô khi đi dạo ở Birmingham, Anh tháng 3 vừa qua.

Rose đã báo vụ việc cho cảnh sát song cũng muốn quay lại cảnh tượng, đăng lên TikTok để cảnh báo những phụ nữ khác trong khu vực.

“Tôi nghĩ rằng nếu xem video của tôi, họ có thể cảnh giác hơn một chút và dè chừng anh ta”.

Clip của Rose có 6 triệu lượt xem và sự chú ý bất ngờ nhận được khiến cô bị ngợp.

Thuật toán của TikTok đề xuất nội dung cho người dùng dựa trên video họ đã xem trước đó, bất kể người dùng có theo dõi người tạo ra nội dung đó hay không. Các video quấy rối thường nhận được hàng trăm nghìn lượt xem theo các hashtag liên quan chủ đề này. Ví dụ, hashtag #safetyforwomen, cũng được Rose gắn dưới video của cô, hút 124 triệu lượt xem.

Bị đổ lỗi ngược

Khi ghi hình những kẻ quấy rối và đăng lên mạng, một số phụ nữ hy vọng sẽ cảm thấy được động viên song nhận ra việc công khai sự việc cũng có mặt trái.

Caitlin Wilkinson (23 tuổi) chia sẻ một video TikTok cho thấy cô đối chất một người đàn ông trên tàu điện ngầm khi người này có hành vi quấy rối một phụ nữ khác. Khuôn mặt người đàn ông không xuất hiện trong video vì Wilkinson chỉ hướng camera về phía mình, cô lo đối phương sẽ tức giận và tấn công nếu phát hiện cô đang ghi hình anh ta.

quay roi phu nu anh 2

Caitlin Wilkinson đối chất với người đàn ông quấy rối một phụ nữ trên tàu điện ngầm song bị nghi là dàn dựng câu view.

Video nhận được hơn 2 triệu lượt xem. Trong khi nhiều bình luận dưới video mang tính tích cực, khen ngợi cô đã bảo vệ người khác, cũng có người để lại bình luận tiêu cực về cô.

Cụ thể, phần lớn người bình luận là nam giới nói video được dàn dựng do Wilkinson không quay mặt thủ phạm, họ nghĩ cô làm vậy để câu view.

Delcore cũng cho biết cô sốc khi thấy có những bình luận bênh vực người đàn ông lạ mặt bám theo cô, phần lớn bình luận này đến từ nam giới.

Một số cho rằng cô lẽ ra nên xử lý tình huống theo cách khác, khiến Delcore cảm thấy họ cho rằng hành vi quấy rối này là lỗi của cô vì đã trả lời các câu hỏi của người đàn ông thay vì phớt lờ anh ta.

Những phản hồi này khiến cô gái 22 tuổi cảm thấy bị tổn thương thêm lần nữa. Đối với Wilkinson, nhiều người nói không tin tưởng tài khoản của cô khiến cô lo lắng đến mức không muốn đăng lại những nội dung tương tự trên TikTok nếu chứng kiến hoặc trải qua lần nữa.

Cần chung tay

Theo Essig, “vòng tròn hỗ trợ” - nơi nhiều phụ nữ chia sẻ bình luận cố gắng hỗ trợ lẫn nhau - thường không có khả năng tạo ra sự thay đổi thực sự đáng kể bởi tình trạng phân biệt giới tính vẫn còn đầy rẫy trên mạng.

Essig tin rằng cách hiệu quả nhất để tạo ra sự thay đổi trong xã hội về vấn đề quấy rối là đưa những chia sẻ trên mạng xã hội này ra đời thực và so sánh với phong trào Black Lives Matter.

“Quay video là một cách mạnh mẽ để bắt đầu cuộc nói chuyện, nhưng cuộc nói chuyện phải biến thành cuộc phản kháng trực tiếp, có tổ chức. Phong trào Black Lives Matter không chỉ dừng lại là những hashtag trên mạng”, bà nói.

quay roi phu nu anh 3

Cần sự chung tay và quyết liệt của nhiều nguồn lực để ngăn chặn nạn quấy rối. Ảnh: Rachel Mendelson/Insider.

Kalliopi Mingeirou, người đứng đầu chiến dịch chấm dứt bạo lực phụ nữ của UN Women ở New York, cho rằng phụ nữ có thể bắt đầu tham gia hoặc tổ chức các nhóm hoạt động địa phương, tham gia vào chiến dịch của chính phủ và các nhà lập pháp để đưa ra các biện pháp thiết thực ngăn chặn quấy rối, ví dụ như xây dựng hệ thống báo cáo và chiếu sáng đường phố tốt hơn.

Điều này sẽ giúp giảm bớt áp lực cho những phụ nữ đăng tải câu chuyện quấy rối tình dục của mình. Họ sẽ không còn là người phải đứng mũi chịu sào trong vấn đề này, nhận sự chú ý quá lớn nữa mà là một phần của nỗ lực chống quấy rối tại địa phương.

Bên cạnh đó, các nhà hoạt động cũng hy vọng việc giải quyết vấn đề quấy rối sẽ được chia sẻ bình đẳng hơn giữa nam và nữ, giữa cơ quan thực thi pháp luật, các tổ chức xã hội và cơ quan chính phủ.

“Chia sẻ trải nghiệm trên không gian mạng có thể khiến các nạn nhân gặp nguy hiểm hơn và họ cần nhận thức được rủi ro đó. Đừng để phụ nữ phải có trách nhiệm chia sẻ câu chuyện của họ nữa và đặt nhiều trách nhiệm hơn cho chính phủ trong việc có hành động chống lại những điều không nên xảy ra ngay từ đầu”, Mingeirou nói.

Những người chuyên săn tìm kẻ ấu dâm trên mạng

Đóng giả làm trẻ vị thành niên trên mạng xã hội, Neila (Pháp) và thành viên nhóm ở nhiều quốc gia thu thập bằng chứng về tội phạm ấu dâm rồi gửi cho cảnh sát.

Mục Đời sống gửi đến độc giả gợi ý về những tác phẩm hay, mang hơi thở thời đại. Hội mê sách cũng có thể tìm thấy những bí kíp để "sống chất" hơn với sở thích của mình.

> Xem thêm: Sách cho tuổi trẻ

Mai An

Bạn có thể quan tâm