Chiều 19/4, sau một ngày xử kín, TAND TP Thái Bình tuyên án 4 bị cáo về tội Giao cấu hoặc thực hiện hành vi tình dục khác với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi, theo Điều 145 Bộ luật Hình sự.
Theo bản án sơ thẩm, Phạm Văn Lam (46 tuổi, cựu thượng tá, cựu Phó phòng cảnh sát kinh tế) lĩnh 3 năm tù. Phạm Như Hiển lĩnh 5 năm tù, Từ Minh Tuyên bị phạt 2 năm tù, Phạm Đức Việt lĩnh 30 tháng tù.
Mức án nhẹ
"Tôi bị sốc khi xem bản án toà đã tuyên. Đây có thể coi là hành bị bắt giữ người trái pháp luật và hiếp dâm trẻ vị thành niên, tại sao mức án chỉ có vậy?", bạn đọc Mr. Kiên thốt lên sau khi tòa tuyên án.
Độc giả Manh Cuong Vu nhận xét, bị hại là bé gái mới 15 tuổi, chưa đến tuổi thành niên hay còn gọi là trẻ em, còn bị cáo lại từng làm Phó trưởng phòng cảnh sát kinh tế. "Quá hiểu biết pháp luật mà lại phạm luật và chỉ bị phạt 3 năm tù", người này băn khoăn.
4 bị cáo nghe tòa tuyên án. Ảnh: Báo Thái Bình. |
Cho rằng mức án chưa đủ sức răn đe, độc giả Shanley Hiếu đánh giá các bị cáo thực hiện hành vi giao cấu với người dưới 16 tuổi và có nhiều người cùng thực hiện thì đáng ra phải chịu hình phạt từ 7-10 năm tù.
Hàng loạt bạn đọc đồng quan điểm cho rằng mức án đối với các bị cáo, trong đó có cựu thượng tá công an là quá nhẹ, không đủ sức răn đe. "3 năm tù cho một tội ác tày trời. Dấu vết đó sẽ theo nạn nhân tới suốt cuộc đời. Hãy tăng thật nặng hình phạt với những tên yêu râu xanh này", một độc giả đưa ý kiến.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng gia đình em nữ sinh bị xâm hại nên kháng cáo để đòi lại công bằng.
Bất bình
Theo dõi vụ án từ khi mới xảy ra, luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn Luật sư TP.HCM) tỏ ra bất ngờ với mức án dành cho 4 bị cáo. Đặc biệt, có bị cáo từng giữ chức vụ cao trong ngành công an, một bị cáo khác còn là cha nuôi của bị hại.
Ông Bình cho biết Điều 50 Bộ luật Hình sự quy định khi quyết định hình phạt, tòa án căn cứ vào quy định của Bộ luật Hình sự, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự để quyết định hình phạt.
Cảnh sát bảo vệ phiên tòa sau cánh cổng đóng kín. Ảnh: Hoàng Lam. |
Tòa có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất 2 tình tiết giảm nhẹ, quy định tại Khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự.
Ngoài ra, tòa cũng có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng, nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể.
"Cho dù như thế nào, tôi cũng rất bất ngờ đối với mức án ưu ái mà tòa đã dành cho các bị cáo", luật sư nói và quan ngại bản án sơ thẩm của TAND TP Thái Bình có thể gây bất bình trong dư luận, nhất là tình trạng xâm hại tình dục trẻ em đang có xu hướng tăng cao.
Tuyên án công khai nhưng cấm ghi hình
Phiên tòa xét xử 4 bị cáo được bảo vệ nghiêm ngặt theo trình tự xử kín trong suốt một ngày. Đến khoảng 16h30 ngày 19/4, người dân và phóng viên được vào phòng xử án để nghe tuyên án công khai.
Tuy nhiên, lực lượng chức năng mặc sắc phục lẫn thường phục đã ngăn cấm phóng viên quay phim, chụp ảnh.
Theo luật sư Diệp Năng Bình, Khoản 2 Điều 423, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 và Thông tư 02 ngày 21/9/2018 của TAND Tối cao quy định, những vụ án có người bị hại là người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục, bị bạo hành hoặc bị mua bán thì tòa phải xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai.
Một số người mặc thường phục tham gia giữ trật tự phiên tòa. Ảnh: N.H. |
Tuyên án công khai được hiểu là việc tuyên án đó không được thực hiện kín mà được tuyên cho mọi người khác (các chủ thể không được tham gia phiên xét xử kín) cùng nghe.
Việc công khai tuyên án nhằm đảm bảo phán quyết của tòa phải được công khai, giúp nhân dân giám sát và kiểm tra tính khách quan, minh bạch của phán quyết.
Tuyên án công khai cũng nhằm giáo dục ý thức pháp luật, tuyên truyền pháp luật cho người dân. Thông qua hoạt động xét xử công khai, mọi người nhận thức được rằng bất cứ sự việc vi phạm pháp luật nào đều bị xử lý theo pháp luật, thể hiện tính răn đe và mục đích phòng ngừa chung đến xã hội.
"Phiên tòa xét xử cựu thượng tá công an và đồng phạm xâm hại tình dục nữ sinh lớp 9 diễn ra khi bị hại và người đại diện của bị hại vắng mặt. Tuy nhiên, chủ tọa lại để cho lực lượng mặc thường phục ngăn cản phóng viên tác nghiệp đã gây phản cảm, cản trở hoạt động đưa tin, tuyên truyền của báo chí có tác dụng nâng cao nhận thức của người dân", luật sư Diệp Năng Bình nói.