Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bắt nguyên chủ tịch tập đoàn Thiên Thanh

Nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh cùng 2 nguyên Ủy viên HĐQT tập đoàn này đã bị cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố và bắt tạm giam ngày 29/7.

Ngày 29/7, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã công bố quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam bị can đối với Phạm Công Danh (49 tuổi, quê Quảng Ngãi), nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh.

Đồng thời bắt tạm giam Phan Thành Mai (43 tuổi, quê Nghệ An), nguyên thành viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh; Mai Hữu Khương (31 tuổi, ngụ TP.HCM), nguyên thành viên Hội đồng quản trị, phụ trách tài chính Tập đoàn Thiên Thanh. Các cá nhân này bị điều tra về hành vi Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ luật Hình sự.

Ông Phạm Công Danh khi còn đương chức.
Ông Phạm Công Danh khi còn đương chức.

Theo thông tin ban đầu, bị can Phạm Công Danh có hành vi gây thất thoát nhiều tỉ đồng trong việc thuê mướn bất động sản để đặt trụ sở văn phòng. Ông này đã đặt cọc và ứng trước với bên cho thuê hơn 1.000 tỷ đồng dù hợp đồng với bên cho thuê trong hợp đồng được ký kéo dài 40 năm.

Cùng ngày, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ra thông cáo báo chí xác nhận việc khởi tố và bắt giữ 3 bị can trên.

Thông cáo của Ngân hàng Nhà nước, các ông Phạm Công Danh, Phan Thành Mai và Mai Hữu Khương có tham gia Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam. Trước đó, ngày 28/7, để bảo đảm hoạt động ổn định, an toàn và đúng pháp luật của Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam, Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam đã có các Quyết định miễn nhiệm với những người này và đồng thời thống nhất bầu, bổ nhiệm nhân sự thay thế.

Từ năm 2012 cho đến nay, Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam hoạt động dưới sự giám sát chặt chẽ của Tổ Giám sát do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thành lập.

“Sự việc trên không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam”, Ngân hàng Nhà nước khẳng định.

Theo tìm hiểu, Tập đoàn Thiên Thanh được hình thành, phát triển tại TP.HCM và mở rộng mạng lưới trên toàn quốc từ năm 2000 (tiền thân là hãng Gạch bông Hương Sơn được thành lập từ năm 1964 và hoạt động tại Quảng Ngãi).

Đến nay, ngoài Trụ sở chính và các đơn vị tại TP.HCM, Tập đoàn đã có các chi nhánh, đơn vị trực thuộc tại các tỉnh thành phố như Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Dương... với nhiều dự án quy mô lớn, tầm cỡ quốc gia.

Các lĩnh vực hoạt động của Tập đoàn: Kinh doanh VLXD, ôtô - dịch vụ ôtô, bất động sản - dự án, tư vấn - đầu tư tài chính, du lịch - nhà hàng - khách sạn và các hoạt động kinh doanh khác.

Điều 165. Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:

a) Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác;

b) Có tổ chức;

c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

d) Gây thiệt hại từ ba trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.

3. Phạm tội gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

http://nld.com.vn/phap-luat/bat-nguyen-chu-tich-tap-doan-thien-thanh-pham-cong-danh-20140729203915301.htm

Theo N.Quyết-T.Hà-T.Phương/Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm