Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bầu Kiên trước ngày ra vành móng ngựa

Hồi đầu vào trại tạm giam, tinh thần của bầu Kiên bất ổn do sự thay đổi về môi trường. Nhưng về sau, ông thích hợp với lịch gian biểu đêm nghe kẻng đi ngủ, sáng giờ Dần là dậy.

Từ ngày ông ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) nổi tiếng một thời vào trại tạm giam, giờ đã là hai Tết. Nhóm tội của ông và đồng phạm về kinh tế, tham nhũng với tài liệu, hồ sơ chất chồng, chân rết mớ ba mớ bảy, lại dích dắc có tên trong cả vụ án của “người em” Huỳnh Thị Huyền Như... nên VKS phải nhiều lần gia hạn tạm giam, CQĐT mới có đủ thời gian để hoàn tất hồ sơ, ra kết luận.

Cũng hai năm nay, tên ông gắn chữ “bị can” đằng trước, trong khi ảnh thì lại toàn là ảnh ngoài đời, cái ngày mà ông còn nổi danh “bầu khủng” như cùng vợ đi xem hát, chỉ trỏ trên bục hội nghị hay tư lự bên sân cỏ khi đội bóng của ông gặp “hạn nặng”. Tại sao lại không có ảnh ông trong trại?. Thực tế, nhiều báo ngỏ ý muốn vào trại gặp ông, nhưng khi cán bộ chuyển lời, ông khước từ.

Mới đây xuất hiện bức ảnh bầu Kiên trong trại tạm giam. Trong ảnh, ông ngồi bên bàn đá của phòng làm việc, đối diện là cán bộ điều tra đang hướng dẫn ông khai báo. Có bình luận nói ông “xuống sắc”, có lẽ bởi không thấy cái bụng phương phi như hồi nào.

Bức ảnh bầu Kiên trong trại tạm giam gây chú ý dư luận.

Ông thổ lộ với cán bộ điều tra rằng từ ngày vào trại, hồi đầu tinh thần bất ổn do sự thay đổi đột ngột về môi trường, nhưng về sau cũng quen, ông thích hợp với lịch gian biểu đêm nghe kẻng đi ngủ, sáng giờ Dần là dậy.

Hơn một năm vào trại tạm giam, giờ ông Kiên “mềm tính” hơn, không cau có, bất hợp tác như trước nữa. Nhiều lúc ông nằm trầm ngâm trong phòng, rồi đứng lặng bên khung cửa sắt to bằng ngón chân, nhìn mưa lất phất...

Ông bảo, ngày trước ở ngoài cũng mắc bệnh này, bệnh kia, nhưng không hiểu sao giờ thấy khỏe hơn, bụng bớt phệ, giảm rất nhiều kg và ăn uống cũng chừng mực lắm. Ông nói đã trút bỏ được những suy nghĩ dằn vặt mà khi chưa vào trại, đó là điều không bao giờ nghĩ tới...

Hôm 9/2, VKSND tối cao tống đạt cáo trạng mới với ông Kiên. Nói là mới nhưng thật ra là bổ sung thêm một số nội dung theo yêu cầu của tòa hồi trước Tết, còn 4 tội danh mà bị can Kiên đã “lĩnh ấn” từ VKS thì vẫn vậy.

Trong tứ tội mà bị can Kiên bị truy tố, tội có khung hình phạt cao nhất là “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, mức án kịch trần là tù chung thân - như đối với “đàn em” Huyền Như đã lĩnh hồi giáp Tết. Hai bị can Trần Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội; Nguyễn Thị Hải Yến, Kế toán trưởng Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội bị truy tố về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Các bị can Trần Xuân Giá, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB); Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, đều nguyên Phó Chủ tịch ACB; Lý Xuân Hải, nguyên Tổng Giám đốc ACB; Phạm Trung Cang, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT ACB; Huỳnh Quang Tuấn, nguyên thành viên thường trực HĐQT ACB bị truy tố về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". Tổng số tiền thiệt hại do 9 bị can gây ra trong vụ án này là 1.695,6 tỷ đồng.

Cáo trạng xác định, Nguyễn Đức Kiên với vị trí là Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập và đại diện nhóm cổ đông chiếm 9,03% vốn điều lệ đã có vai trò chỉ đạo, chi phối toàn bộ hoạt động quản trị, điều hành  ACB.

Từ ngày 15/5/2007 đến ngày 3/8/2012, "bầu Kiên" đã thông qua 6 công ty gia đình để tổ chức hoạt động kinh doanh không đúng với nội dung đăng ký kinh doanh, lợi dụng các cơ quan, tổ chức này để kinh doanh cổ phần, cổ phiếu và kinh doanh vàng với số tiền hơn 21 nghìn tỷ đồng.

Trong 4 tội danh, "bầu Kiên" bị truy tố về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" cùng các bị can Trần Xuân Giá, Trịnh Kim Quang, Lê Vũ Kỳ, Lý Xuân Hải, Phạm Trung Cang và Huỳnh Quang Tuấn. Các bị can biết rõ quy định của Ngân hàng Nhà nước nhưng vẫn đồng ý cho thực hiện chủ trương, ủy thác cho các nhân viên gửi tiền vào các tổ chức tín dụng sai quy định gây thiệt hại cho ACB số tiền 718,9 tỷ đồng.

Đối với hành vi cấp tín dụng để đầu tư cổ phiếu ACB, Nguyễn Đức Kiên với tư cách Chủ tịch Hội đồng đầu tư ACB đã cùng với lãnh đạo Công ty ACBS để triển khai thực hiện việc đầu tư mua cổ phiếu ACB không đúng với chủ trương ngày 2/11/2009 của thường trực HĐQT ACB, trái với quy định của Bộ Tài chính, gây thiệt hại cho ACB hơn 687,7 tỷ đồng.

Trong vụ án này, ban đầu cơ quan điều tra đã khởi tố ông Phạm Trung Cang nhưng qua xem xét các cơ quan tố tụng đình chỉ bị can. Đến ngày 3/1/2014, TAND Hà Nội qua xem xét đã trả hồ sơ và đề nghị điều tra bổ sung hành vi của bị can Cang và Tuấn. Cáo trạng của Viện KSND Tối cao xác định, 2 bị can này cũng phải chịu trách nhiệm hình sự về việc ký và thực hiện các chủ trương ủy thác trái quy định gây thất thoát cho ACB.

Như vậy, ông Cang không còn lý do để đứng ngoài cuộc khi trách nhiệm pháp lý của ông trong vụ án đã được xác định.

http://www.cand.com.vn/vi-VN/bandoc/2014/2/222328.cand

Theo Công An Nhân Dân

Bạn có thể quan tâm