Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ công an vừa kết thúc điều tra vụ án "Kinh doanh trái phép, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trốn thuế, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Ngân hàng ACB và một số công ty trên địa bàn Hà Nội, TP. HCM.
Theo kết luận điều tra, tháng 7/2012, cơ quan điều tra nhận được nhiều phiếu chuyển đơn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Công an; đơn của nhân viên ACB tố cáo ông Nguyễn Đức Kiên (tức bầu Kiên) có hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của Nhà nước. Cơ quan điều tra xác minh tại các kết luận thanh tra của Ngân hàng Nhà nước đối với ACB chi nhánh Thăng Long và Hà Nội, phát hiện một số sai phạm trong quá trình quản trị, điều hành hoạt động kinh doanh của ACB nên chuyên án điều tra làm rõ.
Cơ quan điều tra xác định ông Nguyễn Đức Kiên đã đứng ra thành lập và là người đại diện theo pháp luật của 5 công ty gồm: Công ty CP tập đoàn Tài chính Á Châu (AFG), Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội (ACBI), Công ty cổ phần đầu tư Á Châu (ACI), Công ty TNHH đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội (ACI-HN), Công ty cổ phần đầu tư thương mại B&B (B&B) nhằm mục đích kinh doanh trái phép.
Ông Nguyễn Đức Kiên |
Dù các công ty này không được Nhà nước cấp phép kinh doanh tài chính nhưng từ tháng 3/2008 đến tháng 11/2010, ông Kiên đã chỉ đạo 5 công ty trên sử dụng trên 9.700 tỷ đồng từ vốn điều lệ, tiền huy động và tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu bán cho các ngân hàng ACB, TMCP Phương Nam và Vietbank để mua gần 670 tỷ đồng cổ phiếu của ngân hàng Techcombank, hơn 3.553 tỷ đồng cổ phiếu và trái phiếu chuyển đổi Ngân hàng ACB, gần 392 tỷ đồng cổ phiếu Ngân hàng Vietbank, trên 494 tỷ đồng cổ phiếu Ngân hàng Đại Á, 198 tỷ đồng cổ phiếu của Ngân hàng Kiên Long, trên 234 tỷ đồng cổ phiếu của Eximbank, gần 471 tỷ đồng cổ phiếu của Công ty cổ phần bất động sản Hòa Phát Á Châu
Số tiền còn lại trên 3.700 tỷ đồng được sử dụng góp vốn cho các công ty trong nhóm của ông Kiên và mua cổ phần các doanh nghiệp khác.
Cơ quan điều tra xác định ông Kiên đã chỉ đạo các công ty này lập phương án phát hành trái phiếu, sau đó bán cho các ngân hàng. Khoản tiền thu được, ông Kiên không sử dụng đúng với chức năng kinh doanh mà mua cổ phiếu của các ngân hàng thương mại và đầu tư vốn vào một số công ty khác là trái với quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Đây thực chất là hình thức đầu tư kinh doanh về tài chính.
Bên cạnh đó, cơ quan điều tra cũng xác định ông Kiên đã thành lập Công ty cổ phần Phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu Thiên Nam (Công ty Thiên Nam) và làm chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc. Công ty này không được Nhà nước cấp phép kinh doanh vàng, nhưng từ tháng 11/2009 đến tháng 7/2010, ông Kiên đã đại diện cho Công ty Thiên Nam trực tiếp đặt 49 lệnh giao dịch vàng trạng thái với số lượng 150.000 ounce; giao dịch mua, bán vàng vật chất trong nước với số lượng 37.500 lượng vàng SJC và giao dịch mua, bán vàng với nước ngoài với số lượng 75.000 ounce thông qua tài khoản Ngân hàng ACB. Việc giao dịch vàng trên đã khiến ông Kiên lỗ hơn 433 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra xác định ông Kiên là chủ tịch HĐQT, hoặc hội đồng thành viên của cả 6 công ty trên, là người chỉ đạo và quyết định hoạt động kinh doanh tài chính, kinh doanh vàng. Hành vi của bị can không thông qua HĐQT hoặc hội đồng thành viên nên có vai trò chủ mưu về “kinh doanh trái phép”.
Không chỉ thực hiện hành vi kinh doanh trái phép với con số hàng nghìn tỷ đồng, ông Kiên còn lợi dụng việc mua bán cổ phần để lừa đảo chiếm đoạt 264 tỷ đồng của Công ty TNHH một thành viên Thép Hòa Phát. Cụ thể, ngày 11/5/2010, ông Kiên chỉ đạo Trần Ngọc Thanh, giám đốc ACBI, thế chấp gần 22,5 triệu cổ phần của Công ty cổ phần Thép Hòa Phát vào ACB để đảm bảo cho việc phát hành 800 tỷ đồng trái phiếu.
Đến tháng 4/2012, ông Kiên trực tiếp đứng ra giao dịch với ông Trần Đình Long, chủ tịch HĐQT và ông Trần Tuấn Dương, tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát, về việc bán 20 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Thép Hòa Phát do ACBI đang sở hữu với số tiền 264 tỷ đồng cho Tập đoàn Hòa Phát.
Dù chưa được Ngân hàng ACB và Công ty ACBS chấp thuận cho giải tỏa 20 triệu cổ phiếu trong tổng số gần 22,5 triệu cổ phiếu đang thế chấp, nhưng ngày 15/5/2012, ông Kiên đã chỉ đạo Nguyễn Thị Hải Yến (kế toán trưởng Công ty ACBI) soạn thảo quyết định của HĐQT và biên bản họp HĐQT để ông Kiên ký quyết định và biên bản họp thể hiện chủ trương của HĐQT trong khi thực tế không họp HĐQT công ty về việc chuyển nhượng 20 triệu cổ phiếu này.
Sau đó, ông Kiên đã ký nháy hợp đồng để bán số cổ phiếu trên cho Công ty TNHH một thành viên Thép Hòa Phát lấy 264 tỷ đồng. Số tiền thu được, ông Kiên đã chỉ đạo sử dụng vào mục đích riêng. Cho đến khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án kinh doanh trái phép, bắt tạm giam ông Kiên, Công ty TNHH một thành viên Thép Hòa Phát vẫn chưa nhận được 20 triệu cổ phiếu như hợp đồng.
Trong quá trình điều tra vụ án, cơ quan điều tra xác định ông Kiên có hành vi trốn thuế với số tiền trên 25 tỷ đồng thông qua việc kinh doanh vàng.
Cụ thể, do biết Quốc hội có nghị quyết về việc miễn thuế thu nhập cá nhân năm 2009 nên để trốn thuế thu nhập doanh nghiệp cho Công ty B&B, tháng 12/2008 ông Kiên chỉ đạo vợ là Đặng Ngọc Lan, tổng giám đốc Công ty B&B, ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính với em gái là Nguyễn Thúy Hương với nội dung bà Hương ủy thác cho Công ty B&B kinh doanh vàng ghi sổ với số vốn ủy thác là 600.000 lượng vàng SJC (tương đương 720.000 ounce), trong đó giao dịch trạng thái vàng nước ngoài là 45.000 ounce và trong nước là 37.500 lượng.
Theo hợp đồng Nguyễn Thúy Hương không phải đặt cọc nhưng phải chịu một số chi phí khác. Công ty B&B thu phí ủy thác 1% lợi nhuận và các khoản phí khác, bà Hương hưởng 99% lợi nhuận thu được, sau khi trừ chi phí. Cùng ngày, các bên tiếp tục ký phụ lục hợp đồng có nội dung Nguyễn Thúy Hương đồng ý để Công ty B&B ủy thác lại cho ACB thực hiện một phần hoặc toàn bộ việc kinh doanh vàng.
Quá trình kinh doanh thu được lãi trên 100 tỷ đồng, ông Kiên đã chỉ đạo Công ty B&B không kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp mà bằng thủ đoạn trên, chuyển lợi nhuận doanh nghiệp sang cho Nguyễn Thúy Hương để trốn thuế hơn 25 tỷ đồng. Số tiền Nguyễn Thúy Hương thu được đã chuyển lại toàn bộ cho Công ty B&B để bầu Kiên sử dụng vào hoạt động kinh doanh khác.
Cũng trong vụ án này, cơ quan điều tra xác định Nguyễn Đức Kiên cùng các bị can Trần Xuân Giá (nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB), Lê Vũ Kỳ, Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang (nguyên phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB), Lý Xuân Hải (nguyên tổng giám đốc ACB) đã có hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Các bị can này đã có hành vi cố ý làm trái trong việc ra chủ trương dùng tiền của Ngân hàng ACB ủy thác cho nhân viên ngân hàng này và một số công ty gửi vào các tổ chức tín dụng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng trong việc thực hiện chính sách tiền tệ của Chính phủ, trực tiếp gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB gần 719 tỷ đồng và trong việc chỉ đạo Công ty TNHH chứng khoán ACB đầu tư cổ phiếu Ngân hàng ACB gây thiệt hại trên 688 tỷ đồng.