Zing.vn trích dịch bài viết trên The Guardian, đề cập đến câu chuyện đàn ông Anh và nhiều nơi trên thế giới sẵn sàng chi tiền "khủng" tổ chức màn câu hôn công phu, để đổi lấy cái gật đầu từ người phụ nữ mình yêu.
Khi Justus Parmar (Anh) quyết định hỏi cưới người bạn gái Elisia của mình, anh hạ quyết tâm biến màn cầu hôn phải đạt được cả hai yếu tố: Thật hoành tráng và không thể nào quên.
Chưa đầy một tuần sau, người đàn ông 36 tuổi cùng bạn gái bắt chuyến bay từ Toronto (Canada) sang London (Anh).
Màn cầu hôn lãng mạn diễn ra tại vòng quay London Eye nổi tiếng, trên nền nhạc là ca khúc Perfect của chàng ca sĩ Ed Sheeran với một dàn nhạc công xung quanh.
Kết thúc màn biểu diễn, một nhóm người khác xuất hiện, cùng chiếc áo phông in chữ, ghép lại thành câu hỏi: “Em sẽ lấy anh chứ?”.
Và tất nhiên, bạn gái của Justus không thể nào đành lòng từ chối.
"Không phải cứ quỳ gối và ngỏ lời là xong"
Để có màn cầu hôn đáng nhớ, Justus đã phải bỏ ra 6.000 bảng - con số không hề nhỏ - để thuê một công ty đứng ra lên kế hoạch, tổ chức từ đầu đến cuối.
Với cá nhân anh, dịch vụ này không hề đắt đỏ và xứng đáng từng đồng.
“Tôi đã mua chiếc nhẫn kim cương 6 cara tuyệt đẹp nhưng chẳng biết làm thế nào để hỏi cưới bạn gái cho đặc biệt. Cuối cùng, tôi nhận ra mình nên tìm đến các chuyên gia. Và họ đã làm rất tốt, hôn thê của tôi không hề biết chuyện gì đang chờ cô ấy”, anh nói.
Không chỉ đám cưới, cầu hôn giờ cũng là công đoạn được nam giới chi bội tiền để đầu tư. Ảnh: Đông Nhi. |
“Tôi hoàn toàn bị sốc. Tôi là tuýp người không mấy lãng mạn song luôn mơ ước được gặp đúng người đàn ông của đời mình. Justus đã chứng tỏ anh ấy là người quan tâm và chăm sóc tôi đến thế nào qua hành động này”, Elisia bày tỏ.
Trên thực tế, số lượng các đôi kết hôn ở Anh đã giảm đáng kể từ thập niên 70 của thế kỷ trước. Năm 2016, chỉ có 240.000 cặp vợ chồng “về chung một nhà” tại xứ sở sương mù.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp cưới tại nước này vẫn là “mảnh đất” kinh doanh màu mỡ, ước tính trị giá lên đến 10 tỷ bảng mỗi năm.
Từ các nền tảng thương mại điện tử cho phép cô dâu, chú rể tương lai lên kế hoạch trực tuyến cho ngày trọng đại cho đến dịch vụ giúp các cặp vợ chồng kết hôn trong cùng thành phố tái sử dụng hoa cưới để tiết kiệm chi phí, đám cưới vẫn là dịp để người trẻ nước này mạnh tay đầu tư.
Và cầu hôn, bước đầu tiên, tạo tiền đề cho đám cưới ra đời cũng không phải là ngoại lệ. Song song với các wedding planner (tạm dịch: người tổ chức đám cưới), các proposal planner (tạm dịch: người tổ chức màn cầu hôn) cũng đắt khách không kém.
Đến nay, công ty Justus chi tiền thuê đã tổ chức thành công hơn 1.500 màn cầu hôn trên toàn thế giới.
“Chúng tôi là những người đầu tiên mở dịch vụ này tại Anh và hiện tại, nó vẫn là thứ mới mẻ trong mắt nhiều người. Khi bắt đầu, chúng tôi chỉ nhận 1 hợp đồng một tuần, còn hiện tại, con số ở mức 6-10 khách/tuần”, Daisy Amodio, giám đốc công ty, cho hay.
Năm 2012, lấy cảm hứng từ việc tổ chức lễ đính hôn cho anh trai trước đó, Daisy nhận ra đây là mảng kinh doanh chưa có đối thủ cạnh tranh.
“Hiện tại, nhu cầu lưu giữ lại khoảnh khắc của mọi người càng lớn hơn trong thời kỳ mạng xã hội lên ngôi. Giới trẻ có mong muốn sở hữu những bức ảnh, video để khoe với bạn bè hay con cái. Mọi thứ không còn đơn giản ở mức quỳ xuống và nói vài lời nữa. Họ muốn một thứ gì lớn lao hơn, một câu chuyện để kể cho thế hệ sau”, Daisy cho biết.
Biến sự lãng mạn của đàn ông thành hiện thực
Vị khách chịu chi nhất mà công ty của Daisy từng phục vụ sẵn sàng “rút ví” đến 800.000 bảng để tổ chức cầu hôn.
“Chúng tôi đã phải thuê trọn gói khu vực công viên Disneyland ở Paris, cùng nhiều thuyền và pháo hoa. Hai người sau đó đến Canada trên chuyên cơ riêng và người con trai cầu hôn trước thác Niagara”, nữ giám đốc kể lại.
Toàn bộ màn câu hôn công phu, tốn kém diễn ra trong vòng hơn một tuần, song thực chất mất đến 3 tháng để lên ý tưởng, chuẩn bị.
Các công ty chuyên về dịch vụ tổ chức cầu hôn hoành tráng ngày càng có nhiều khách hàng tìm đến. Ảnh: Wedding Venture. |
“Có những vị khách tìm đến chúng tôi khi đột nhiên nảy ra quyết định. Chuyện nhận thực hiện các phi vụ cầu hôn chỉ trong vòng 1-2 ngày trở nên bình thường”, cô cho hay.
Mặt khác, cũng có những người không muốn cho đối phương biết việc mình nhờ cậy đến các chuyên gia tổ chức cầu hôn.
Stephen (34 tuổi, Anh) quyết định tiến tới hôn nhân với bạn gái chỉ sau 6 tháng hẹn hò nhưng anh không chắc liệu đối phương có gật đầu.
“Tôi yêu thật lòng và nếu không hỏi cưới, tôi sẽ vuột mất cơ hội có được cô ấy. Vì vậy, tôi phải làm điều gì đó đáng nhớ để chứng minh tình yêu của mình”, anh nói.
Quyết tâm thực hiện, người đàn ông thuê hẳn một đội ngũ tổ chức hộ mình. Họ đã giúp Stephen ngỏ lời vào cuối chuyến đi dã ngoại của hai người, với tấm băng rôn ghi câu hỏi quan trọng dành cho người bạn gái.
“Cô ấy nói đồng ý ngay tắp lự và ngạc nhiên về những gì tôi đã làm. Tôi cũng không có ý định tiết lộ việc mình cậy nhờ công ty dịch vụ giúp đỡ. Tôi muốn cả hai tận hưởng khoảnh khắc của riêng mình”, người đàn ông cho hay.
“Không phải mọi đàn ông đều sáng tạo. Công việc của chúng tôi là biến sự lãng mạn của họ thành hiện thực. Sau đó, tất cả những gì họ cần thực hiện là quỳ gối trước mặt người yêu và nói những điều cần nói”, Pippa Lund, người đảm nhận việc lên kế hoạch cầu hôn cho các chú rể tương lai, chia sẻ.
Chi tiền "khủng" để lưu kỷ niệm
Tuy nhiên, việc cầu hôn rình rang không đồng nghĩa với việc mọi thứ đều kết thúc với câu nói “Em đồng ý” ngọt ngào.
Rob Anderson, chuyên gia tổ chức tiệc cầu hôn tại Las Vegas (Mỹ), nhớ lại: “Có một đôi nổ ra tranh cãi gay gắt và kế hoạch bị hoãn lại ngay khi tôi chuẩn bị làm phần việc của mình. Tôi từng chứng kiến cảnh cặp khác chia tay ngay trước khi cầu hôn, đôi khác ‘đường ai nấy đi’ khi mới nhận lời sau vài giờ”.
“Ngày mà có người từ chối khách hàng của tôi, sau tất cả những gì tôi dày công chuẩn bị, đó cũng sẽ là ngày tôi bỏ việc”, Pippa hài hước nói.
Đối tượng khách hàng tìm đến dịch vụ tổ chức cầu hôn chủ yếu là nam giới. Ảnh: The Guardian. |
Xu hướng này cũng dần xuất hiện tại châu Á, nhất là Singapore.
“Năm đầu tiên đi vào hoạt động, chúng tôi không có lấy vị khách nào. Truyền thống ở đây vẫn là đưa ra lời đề nghị trong lúc ăn tối hay bố mẹ đôi bên nói chuyện rồi tự họp bàn, lên lịch với nhau”, Pailin Thipayarat, người bắt đầu làm dịch vụ này vào năm 2014, nhớ lại.
Song, với sự phát triển của các phương tiện truyền thông xã hội, nhiều người trẻ Singapore bắt đầu thích học theo các ý tưởng phương Tây.
“Thế hệ vợ chồng trẻ hiện tại sẵn sàng chi tiêu cho những thứ đem lại trải nghiệm, ký ức đáng nhớ cho họ suốt quãng đời sau đó. Họ muốn những ký ức đẹp đẽ của mình được ghi lại”, Pailin đánh giá.
Tuy nhiên, hầu hết khách hàng của dịch vụ này đều là nam giới.
“Chỉ có 6 người phụ nữ từng tìm đến chúng tôi. Trong đó duy nhất một người muốn cầu hôn bạn trai của mình, số còn lại là tình yêu đồng giới”, Daisy cho hay.
“Suy nghĩ đàn ông phải cầu hôn người phụ nữ của mình đã trở thành mặc định tại nhiều nơi trên thế giới”, Rob kết luận.
Còn đối với những người làm công việc này, không nhất thiết phải có màn cầu hôn ấn tượng như những thứ họ vẫn thường tổ chức.
“Chúng tôi đi dạo trên bờ biển. Anh ấy xuất hiện với chai rượu sâm banh và một vài món tôi ưa thích. Chừng ấy thôi là đủ hoàn hảo”, Pippa nhớ lại khoảnh khắc người chồng của mình ngỏ lời.