Zing.vn trích dịch bài đăng trên BBC, phản ánh câu chuyện giá nhà ở tại Hong Kong luôn ở mức cao chót vót, khiến nhiều cặp vợ chồng và con cái phải sống xa nhau một cách bất đắc dĩ vì không đủ khả năng chi trả mua nhà riêng.
Mùa hè năm 2012, Lam Lok gặp gỡ Jason Chau, người chồng tương lai của cô khi cùng làm việc tại công viên giải trí Disneyland ở Hong Kong. Sau ba năm hẹn hò, họ nên vợ nên chồng và nhanh chóng đón chào thành viên mới - một bé gái kháu khỉnh tên Yu.
Một viễn cảnh hạnh phúc cho bất cứ đôi vợ chồng trẻ nào. Tuy nhiên, câu chuyện thực tế của gia đình lại “oái ăm” hơn rất nhiều.
Mặc dù đã kết hôn, cả hai vẫn sống cùng bố mẹ đẻ của mỗi người. Lam và Jason đã chịu cảnh dù là vợ chồng nhưng sống tách biệt “ai ở nhà nấy” đã hơn một năm.
Cô con gái bé bỏng ở với nhà ngoại từ thứ hai đến thứ năm, còn cuối tuần được đưa về với nhà nội. Khoảng cách giữa hai nhà nằm ở hai đầu thành phố, thời gian di chuyển mất đến hơn 1 tiếng.
Lý do đằng sau sự khó hiểu này: Hai vợ chồng không có đủ tài chính để chi trả mua nhà có đủ diện tích ở cho cả 3 thành viên.
Lấy nhau rồi "ai về nhà nấy"
“Ban đầu, tôi không thể chịu được cảnh này. Thậm chí, nhiều khi tôi nghi ngờ về cuộc hôn nhân của chính mình bởi việc mỗi người ở một nhà khiến tôi và chồng cảm giác như vẫn còn độc thân”, Lam cho hay.
Tháng đầu tiên sau khi con ra đời, người phụ nữ 31 tuổi đối diện với khoảng thời gian khó khăn khi chăm sóc em bé, ngay cả khi có sự giúp đỡ của mẹ chồng.
“Chồng tôi không đỡ đần được gì vì anh ấy ở quá xa. Chúng tôi cũng không có cơ hội được cùng nhau nhìn con lớn lên”, Lam nói.
Những căn hộ chật hẹp, có diện tích siêu nhỏ dần trở thành đặc trưng về nhà ở tại Hong Kong. Ảnh: Trendolizer. |
Không phải trả tiền thuê nhà, song hai vợ chồng vẫn chật vật tiết kiệm tiền, trong khi chi phí nuôi nấng, chăm sóc một đứa trẻ cũng tốn kém nhiều.
“Chúng tôi lên kế hoạch sống cùng nhau, song điều này chẳng thể thực hiện dễ dàng trong thời gian ngắn”, Lam thở dài nói.
Trên thực tế, trường hợp của Lam và Jason không phải là cá biệt tại Hong Kong. Tại nơi mỗi m2 đất đều có giá trên trời, số lượng các đôi vợ chồng trẻ phải chịu cảnh sống mỗi người mỗi nhà ngày càng tăng.
Theo thống kê, cứ 10 cặp vợ chồng tại Hong Kong thì có 1 cặp không sống chung cùng nhau. Năm 2018, 12% số lượng người đã lập gia đình vẫn chịu cảnh ở cùng với bố mẹ đẻ một cách bất đắc dĩ.
Trong gần 10 năm liên tiếp, giá bất động sản tại Hong Kong luôn ở mức cao nhất thế giới, cùng với đó là chính sách quy định sử dụng đất hạn chế của chính quyền khiến ước mơ sở hữu nhà riêng của các cặp vợ chồng ngày một xa vời.
Theo nghiên cứu về khả năng chi trả nhà ở năm 2019, giá nhà Hong Kong được xếp hạng đắt đỏ bậc nhất, đứng dầu danh sánh giá nhà đất của 309 khu vực đô thị tại 8 quốc gia.
Tại Hong Kong, số tiền cần bỏ ra để chi trả cho một căn hộ siêu nhỏ, chỉ vừa chứa một chiếc giường đơn cũng lên đến mức 510 USD mỗi tháng.
Một căn nhà cơ bản tại đặc khu này có giá gấp 21 lần thu nhập trung bình hàng năm của các hộ gia đình. Tại London (Anh), nơi giá nhà thuộc vào hàng cao nhất tại châu Âu, số tiền bỏ ra để “tậu nhà” dừng ở mức gấp hơn 8 lần thu nhập bình quân người dân hàng năm.
Ngay cả khi cả vợ cả chồng đều có mức lương trên trung bình, chuyện sở hữu nhà có diện tích phù hợp cũng nằm ngoài tầm với với tầng lớp trung lưu tại Hong Kong.
Giấc mơ "sống cùng nhau" xa vời
Để khắc phục tình trạng, nhiều cặp vợ chồng lựa chọn mua hoặc thuê nhà ở công cộng, hình thức nhà ở giá rẻ cho người dân có thu nhập thấp do chính quyền Hong Kong cung cấp.
Song, không dễ để tìm được căn hộ ưng ý khi số đông có nhu cầu cao, cộng với số lượng nhà cho thuê ở mức hạn chế.
Thời gian chờ đợi được hưởng chính sách này của người dân trung bình kéo dài một năm rưỡi. Tính đến tháng 7, con số “đặt gạch” trong danh sách chờ lên đến 147.000 người.
Sau khi lấy chồng, Joyce Leung vẫn quay trở lại sống trong căn phòng chật hẹp đã gắn bó suốt từ thời thơ ấu. Ảnh: BBC. |
5 năm trước khi kết hôn, Kathy Tam (28 tuổi) và người chồng tên Louis Lee (32 tuổi) đã đăng ký tham gia chương trình nhà ở xã hội của chính quyền Hong Kong.
Nhờ “lo xa”, hai vợ chồng chỉ phải sống tại hai nhà khác nhau trong vòng một năm, trước khi dọn về chung sống cùng nhau trong một căn hộ rộng hơn 20 m2.
“Về lâu dài, không sống chung dưới một mái nhà khiến chúng tôi cảm thấy gia đình mình không trọn vẹn. Giờ đây, cả hai đều thực sự biết ơn khi có thể nhìn thấy nhau mỗi ngày. Chúng tôi chẳng thế nghĩ đến việc sinh con nếu cứ ở tách biệt nhau mãi thế”, người phụ nữ 28 tuổi cho biết.
Không ít các cặp vợ chồng có cùng quan điểm về việc có con như vợ chồng Kathy và Louis, nhất là trong bối cảnh bố mẹ khó bề ở cùng một nhà với đứa trẻ.
Suy nghĩ này phản ánh phần nào tác động của việc giá nhà đắt đỏ lên tương lai của dân số Hong Kong.
Trong 4 thập niên gần đây, tỷ lệ sinh ở Hong Kong luôn ở mức thấp và có xu hướng giảm dần. Năm 1981, tỷ lệ số ca sinh ở mức 16,8 ca/1.000 người. Năm 2017, con số này giảm một nửa, dừng ở mức 7,7 ca/1.000 người.
Hong Kong cũng là một trong những nơi có dân số già hóa lớn nhất tại châu Á. Theo ước tính, người cao tuổi sẽ chiếm một phần ba dân số khu vực vào năm 2036.
Nếu tỷ lệ sinh tiếp tục giảm, năm 2066, trẻ vị thành niên dưới 15 tuổi chỉ chiếm tối đa 10% dân số tại đặc khu này.
"Chúng tôi vẫn sống hạnh phúc"
Kết hôn nhưng không ở chung nhà tiếp tục làm nảy sinh rắc rối mà nhiều cặp vợ chồng phải đối mặt: Cách để duy trì, “giữ lửa” cho hôn nhân khi cả hai sống xa nhau.
Wilfred Wong và Joyce Leung (cùng 30 tuổi) làm đám cưới vào đầu năm nay. Sau ngày trọng đại, Joyce quay về với căn phòng thời thơ ấu chất đầy thú nhồi bông của cô, còn Wilfred tiếp tục sống tại nhà bố mẹ đẻ.
Cả hai đều hiểu họ phải đợi rất nhiều năm cho đến ngày có thể “về chung một nhà” đúng nghĩa, song vẫn quyết định kết hôn.
Dù chịu cảnh sống mỗi người một nhà, nhiều cặp vợ chồng vẫn tìm cách duy trì hạnh phúc hôn nhân. Ảnh: BBC. |
“Nghe có vẻ kỳ quặc, nhưng sống xa nhau thực sự vẫn đem lại nhiều lãng mạn cho cuộc hôn nhân của bạn. Tôi và vợ nhắn tin, gọi điện và hẹn gặp mặt mỗi ngày để vẫn có cảm giác gần bên nhau”, Wilfred chia sẻ.
Tương tự, Lam và Jason hẹn hò, đi du lịch bất cứ khi nào bố mẹ hai bên có thời gian chăm sóc cháu gái hộ họ. Mỗi tuần, Jason đều cố gắng dành thêm vài tiếng đi bộ cùng con gái về nhà ông bà ngoại, trước khi lên tàu điện ngầm trở về nhà.
Tuy nhiên, ngay cả khi các cặp vợ chồng tìm thấy thời gian ở bên nhau, sống riêng có thể trở nên rất cô đơn, ở bất cứ độ tuổi nào.
Cảm giác đơn độc thường xuyên xâm chiếm Ma Hoi Shing, người đàn ông 69 tuổi từng làm nhân viên sòng bạc tại Macau. Tuổi đã cao, song ông Ma vẫn phải chịu cảnh sống khác nhà với người vợ 62 tuổi của mình.
Không gian nơi ông Ma đang ở chỉ vỏn vẹn 5,5 m2, không có cửa sổ và vẫn tốn đến gần hai phần ba số tiền trợ cấp ông nhận được mỗi tháng.
Vợ ông - bà Jin - cứ cách vài tháng lại quay trở về nhà riêng ở Hàng Châu. Lý do một phần đến từ việc nhiều vấn đề sức khỏe phát sinh khi bà phải sinh hoạt trong căn hộ kém thông thoáng.
“Không gian thực sự rất tù túng và tôi cảm thấy bí bách khi phải sống ở đó mỗi ngày”, bà Jin nói.
“Tôi hy vọng đến cuối, cả hai vẫn có cơ hội đoàn tụ chung một nhà và bắt đầu cuộc sống của riêng hai người”, ông Ma chia sẻ về quãng thời gian chờ đợi được chính quyền hỗ trợ chuyện nhà ở kéo dài đã 3 năm.