Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người trẻ Mỹ và thói quen 'theo dõi bạn bè mình đi đâu, làm gì'

Nhờ tính năng cập nhật địa điểm hiện tại trên điện thoại di động, nhiều người trẻ Mỹ sử dụng để biết bạn bè mình đang ở đâu, làm gì và coi đó là dấu hiệu của tình bạn thân thiết.

Zing.vn trích dịch bài đăng trên The Atlantic, đề cập đến câu chuyện nhiều người trẻ Mỹ chọn tính năng chia sẻ vị trí có sẵn trên smartphone để cập nhật thường xuyên địa điểm của bạn bè. Dù mất đi tính riêng tư, họ coi đó là biểu hiện của tình bạn thân thiết. 

Jennifer Mohr có sở thích hát trong phòng tắm, nhưng không muốn người bạn nào nghe thấy giọng của mình. “Tôi hát không hay nên chỉ dám làm vậy khi không có ai ở chung phòng”, cô gái 20 tuổi cho hay.

Dần dần, Jennifer hình thành thói quen trước khi bước vào phòng tắm, cô sẽ bật ứng dụng Find My Friends (tạm dịch: Tìm vị trí của bạn bè) trên điện thoại của mình, kiểm tra xem liệu người bạn cùng phòng có ở gần nhà hay có khả năng trở về khi cô đang tắm hay không. Rồi cô gái có thể thoải mái hát hò mà không lo bị ai chứng kiến.

Jennifer không phải là người duy nhất cậy nhờ đến tính năng cập nhật địa điểm trên điện thoại thông minh.

Vài năm gần đây, việc chia sẻ vị trí của mình với bạn bè thông qua Internet dần trở thành hành động hàng ngày của nhiều người trẻ tại xứ cờ hoa.

Đem lại cảm giác thân thiết, an toàn

Với một số người, thói quen này có phần “đáng sợ” và “không cần thiết” nhưng trong mắt giới trẻ, khả năng liên tục theo dõi lẫn nhau là chuyện bình thường, thậm chí là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ bạn bè gắn bó.

Chức năng tích hợp chia sẻ vị trí trên smartphone vốn không xa lạ với nhiều người. Nó được nhiều dịch vụ công nghệ cho phép và người dùng có thể công khai địa điểm của mình nhờ các ứng dụng như Facebook Messenger, Google Maps với thời lượng tùy chọn.

Việc chia sẻ địa điểm này có lợi ích thực tế rõ ràng, nhất là với các nhóm bạn tụ tập nơi đông người.

nguoi tre My theo doi ban be anh 1
Nhờ tính năng chia sẻ vị trí, mọi người có thể nắm rõ bạn bè mình đang ở đâu, làm gì, có người bạn nào ở gần xung quanh. Ảnh: The Times.

Kelsey Ko (22 tuổi) đã bật chia sẻ vị trí trên điện thoại trong suốt kỳ nghỉ tới Puerto Rico cùng nhóm bạn của mình. “Nhờ đó mà chúng tôi không lo việc bị lạc nhau”, cô gái hào hứng nói.

Hai năm sau chuyến đi, Kelsey vẫn duy trì thói quen chia sẻ vị trí của mình với bạn bè xung quanh.

Tương tự, Bryan Radcliff (28 tuổi) đi du lịch dọc nước Mỹ bằng ôtô cùng với nhóm bạn. Xuyên suốt hành trình, mỗi người trong nhóm đều thường xuyên cập nhật vị trí của nhau trên mạng.

“Mọi người nghĩ rằng thật thú vị khi tìm hiểu những gì người khác đang làm trong chuyến đi này. Việc này khiến chúng tôi được kết nối với nhau và những nơi chúng tôi ghé đến”, Bryan nói.

Lợi ích được đề cập đến nhiều nhất của thói quen này là cảm giác an toàn của người dùng khi luôn có người khác biết vị trí của mình. Nhiều người trẻ cho hay họ thường xuyên kiểm tra vị trí của bạn bè khi rời bữa tiệc hay quán bar, để đảm bảo ai nấy đều về nhà an toàn.

“Tại một bữa tiệc vào năm nhất, có một gã trai xuất hiện và làm tôi hoảng sợ. Anh ta cứ nài nỉ tôi đi chơi cùng. Cuối cùng, tôi phải thông báo vị trí, cầu cứu bạn mình, nhờ họ đến giải vây”, Kelsey kể lại.

Bryan cũng từng giúp đỡ bạn mình trong tình huống nguy hiểm theo cách tương tự. Bạn của anh đã lái xe trong trạng thái buồn ngủ và gặp sự cố va chạm trên đường. Nhờ biết được địa điểm hiện tại của người kia, Bryan nhanh chóng có mặt hỗ trợ bạn mình về nhà an toàn.

nguoi tre My theo doi ban be anh 2
Nhờ việc chia sẻ rộng rãi địa điểm hiện tại, nhiều người cảm thấy an toàn và an tâm hơn. Ảnh: The Atlantic. 

"Rủi ro như gửi ảnh nhạy cảm"

“Rất nhiều người sẵn sàng chia sẻ vị trí của họ, ít nhất với những người thân thiết, trong khoảng thời gian cố định”, Jason Wiese, giáo sư ngành Máy tính tại Đại học Utah (Mỹ), cho hay.

Tuy nhiên, chuyện thông báo địa điểm hiện tại của mình đồng nghĩa với việc mỗi người gặp một số trở ngại nhất định.

“Nếu bạn chơi chung nhóm và ai nấy đều đồng ý mỗi người có quyền biết những người trong nhóm ở đâu, làm gì, việc từ chối chia sẻ có thể khiến tình bạn sứt mẻ”, Judith Donath, cố vấn tại Đại học Harvard (Mỹ), đánh giá.

Về cơ bản, vị trí của một người đem lại thông tin về họ cho những người xung quanh, “giúp bạn xem liệu có ai ở gần không, tiện để gặp gỡ, trò chuyện vui vẻ”.

“Đó là kịch bản phổ biến ở các môi trường đại học, khi nhiều người trẻ cùng có mặt tại một khu vực cố định, giới hạn”, nữ cố vấn nói thêm.

Theo Jeff Hancock, giáo sư ngành Truyền thông tại Đại học Stanford (Mỹ), điều khó khăn nhất trong việc áp dụng công nghệ vào tình bạn là sự ràng buộc và khó chấm dứt một khi ai nấy đều đã có quyền truy cập vào sự riêng tư của người khác.

“Tắt chia sẻ vị trí có thể bị coi là bạn đang cố tách biệt ra khỏi mọi người. Nhưng không phải ai cũng mong muốn người khác lúc nào cũng biết mình đi đâu, làm gì. Nếu ai đó phải đi trị liệu bí mật hàng tuần, liệu họ có muốn để bạn bè mình biết điều này và chính họ sẽ giải thích thế nào?”, ông phân tích.

nguoi tre My theo doi ban be anh 3
Nhiều người coi chuyện chia sẻ vị trí đồng nghĩa với việc mất đi quyền riêng tư của bản thân. Ảnh: Tokopuas. 

Mặt khác, thông thường, nếu muốn từ chối khéo lời mời của bạn bè, nhiều người sẽ viện ra những lý do để không tham dự để ở nhà hay đi chơi cùng người khác. Song với tính năng cập nhật địa điểm liên tục, “những lời nói dối vô hại” này dễ dàng bị bóc mẽ.

Cố vấn Julia Donath so sánh việc chia sẻ vị trí công khai với việc gửi những hình ảnh nhạy cảm cho bạn trai, bạn gái vì “nó cung cấp cho người khác thông tin họ có thể sử dụng để làm tổn thương bạn”.

“Một phần của khả năng liên kết là tăng cường sự thân mật, song người dùng phải buộc chấp nhận rủi ro. Nếu không có yếu tố rủi ro, đó không còn là kết nối trên mạng nữa”, cô nói.

Mặc dù có khả năng bị theo dõi, hầu hết người sử dụng tính năng này cho hay họ không quá lo lắng về các hậu quả tiêu cực có thể xảy đến, vì việc chia sẻ chỉ dừng ở mức với những người bạn đáng tin cậy, cũng như các thành viên gia đình và người quan trọng khác.

“Tôi tin tưởng bạn bè mình và biết rõ họ là người thế nào. Họ không phải đối tượng kiểm tra vị trí tôi 5 phút/lần”, Jennifer khẳng định.

Còn với Kelsey, cô gái cho hay không cảm thấy có vấn đề gì với việc chia sẻ rộng rãi địa điểm của mình.

“Có rất nhiều người không phải bạn bè thân thiết, song tôi cũng không bận tâm nếu họ biết tôi đang ở đâu”, cô nói.

Bất kể mục đích sử dụng, việc chia sẻ vị trí được coi là cử chỉ của sự tin tưởng và thân mật. Với nhiều người, việc nhìn thấy “dấu chấm nhấp nháy” trên bản đồ di động, hiển thị nơi người thân, bạn bè đang có mặt đem lại cảm giác kết nối và đáng để duy trì dù mất đi sự riêng tư.

“Tôi coi trọng bạn bè mình như gia đình vì không hứng thú và cũng không có kế hoạch lập gia đình và sinh con. Thay vào đó, tôi xây dựng, phát triển các mối quan hệ khác để lấp đầy khoảng trống đó, đồng thời là cảm giác an toàn hơn khi bạn bè biết tôi đang ở chốn nào”, Jackie Luo, một kỹ sư phần mềm 24 tuổi ở San Francisco, cho hay.

Người già Mỹ 'nghiện' công nghệ hơn giới trẻ, tốn 10 tiếng mỗi ngày

Những người Mỹ từ 65 tuổi trở lên dành nhiều hơn 1/3 thời gian một ngày để sử dụng các thiết bị di động, theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen.



Trà My

Bạn có thể quan tâm