Dịch Covid-19 tạo áp lực kinh tế và xã hội lên những hộ nông dân sản xuất quy mô nhỏ. Trước đó, họ cũng chịu tác động nặng nề của tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Nhằm hỗ trợ nông dân vượt qua khó khăn và khôi phục sản xuất, Bayer Việt Nam (Bayer) phối hợp tổ chức Tăng trưởng châu Á - Grow Asia và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TTKNQG) khởi động chương trình toàn cầu “Better farms, better lives” (tạm dịch: Canh tác thuận lợi hơn, cuộc sống tốt đẹp hơn) tại Việt Nam. Chương trình được thực hiện dưới sự phê duyệt và hướng dẫn của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Đại diện ban dự án “Better farms, better lives” trao gói hỗ trợ tượng trưng cho đại diện TT KNQG và nông dân các tỉnh, thành phố. |
Từ nay đến cuối năm, chương trình đặt mục tiêu giúp đỡ 80.000 nông hộ sản xuất nhỏ tại các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Cà Mau, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Các gói hỗ trợ được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu thực tế của người nông dân tại địa phương, gồm các loại hạt giống, thuốc bảo vệ thực vật và tài liệu tập huấn tương ứng.
Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc TTKNQG, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, cho biết: “Mục tiêu chung của chương trình là hỗ trợ các nông hộ sản xuất nhỏ tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long duy trì, phục hồi hoạt động sản xuất, ứng phó hiệu quả với tình hình bất lợi như hạn hán, xâm nhập mặn, dịch bệnh Covid-19, đảm bảo sản phẩm thu hoạch đáp ứng yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm và tiêu chuẩn quốc tế”.
PGS.TS. Lê Quốc Thanh phát biểu khai mạc hội thảo. |
Cụ thể, chương trình sẽ cấp phát miễn phí 60 tấn hạt giống ngô (cho 20.000 nông hộ trồng ngô tại 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu), 60 tấn sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật giúp bảo vệ năng suất trước tình hình hạn hán, nhiễm mặn (cho 60.000 nông hộ trồng lúa tại 5 tỉnh là Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Cà Mau). Bên cạnh đó, chương trình còn giúp nâng cao năng lực cho giảng viên khuyến nông và nông dân trong canh tác lúa và ngô bền vững, thông qua hỗ trợ đào tạo, tập huấn, chuyển giao kiến thức - thực hành nông nghiệp tốt (GAP). Hoạt động này giúp tăng hiệu quả sản xuất, cải thiện thu nhập và sinh kế của các nông hộ nhỏ tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Chương trình sẽ ưu tiên lao động nữ tiếp cận với các nguồn lực và kiến thức cần thiết, giúp họ tăng cường năng lực phòng chống dịch Covid-19 và kiến thức về chăm sóc sức khỏe cho bản thân và cộng đồng xung quanh.
Toàn cảnh lễ khởi động dự án. |
Theo ông Weraphon Charoenpanit, Giám đốc kinh doanh, nhánh khoa học cây trồng Bayer Việt Nam, nông nghiệp quy mô nhỏ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực tại Việt Nam. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 xảy ra song song với tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng cung cấp lương thực cho chính người nông dân và cộng đồng.
“Dự án Canh tác thuận lợi hơn, cuộc sống tốt đẹp hơn sẽ nhanh chóng hỗ trợ nông hộ quy mô nhỏ tiếp cận các yếu tố đầu vào trong sản xuất nông nghiệp và các chương trình tập huấn xuyên suốt vụ hè thu năm nay và những năm sau đó”, ông Weraphon Charoenpanit chia sẻ.
Đồng thời, TTKNQG cũng hỗ trợ nông dân tiếp cận công nghệ hiện đại và chương trình đào tạo, đồng hành cùng nhà nông từ khi gieo hạt đến lúc thu hoạch, từ đó nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ hiện đại trong canh tác.
Ông Weraphon Charoenpanit chia sẻ mục tiêu của dự án. |
Để những hỗ trợ mang lại hiệu quả tốt nhất, Bayer hợp tác cùng Tập đoàn FPT giúp người nông dân sử dụng công nghệ, nâng cao khả năng tiếp cận những cách làm nông nghiệp nâng cao năng suất, mùa vụ và cải thiện cuộc sống. Trong giai đoạn tới, Bayer cùng FPT triển khai nền tảng 4.0, đào tạo nông dân thực hành các nghiệp vụ nông nghiệp, quản lý và sử dụng chế phẩm nông nghiệp an toàn, cũng như huấn luyện nâng cao quản lý an toàn trước Covid-19.
Bayer cam kết hỗ trợ 100 triệu hộ nông dân sản xuất nhỏ ở các quốc gia có thu nhập trung bình - thấp đến năm 2030. Những sáng kiến kịp thời từ chương trình “Canh tác thuận lợi hơn, cuộc sống tốt đẹp hơn” sẽ thúc đẩy phục hồi kinh tế trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn cho các nông hộ quy mô nhỏ.
Bên cạnh hỗ trợ nông dân phục hồi trước những khó khăn, vươn lên sản xuất hiệu quả, chương trình còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền nông nghiệp Việt Nam trước bối cảnh hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) vừa có hiệu lực. Thông qua các hoạt động thiết thực hỗ trợ nông dân canh tác tốt hơn, chương trình duy trì nguồn lương thực phục vụ tiêu thị trong nước và xuất khẩu, đồng thờinâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng giá trị, từ đó tăng cường lợi thế cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp Việt, củng cố vị trí của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Bình luận