Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hùng vương, Phú Thọ, đã cấp cứu cho bệnh nhi 11 tháng tuổi bị hóc dị vật.
Mẹ bé cho biết cách vào viện 15 phút, trẻ ở nhà chơi đồ chơi với chị gái. Sau đó, trẻ xuất hiện ho nhiều, tăng tiết đờm dãi có máu hồng, buồn nôn và nôn. Gia đình nghi trẻ nuốt phải dị vật thanh kim loại có răng cưa kích thước 2 cm. Phụ huynh cố lấy nhưng không được nên đã đưa trẻ đến bệnh viện.
Bệnh nhi vào cấp cứu trong tình trạng kích thích, vật vã nhiều, thở nhanh, tím tái quanh môi, buồn nôn và nôn ra dịch có dây máu hồng, SpO2 94%. Nghi trẻ hóc dị vật, nhân viên y tế lập tức thực hiện Heimlich cấp cứu. Sau khoảng 3 phút, trẻ nôn ra dị vật là chiếc kẹp tóc kích thước 2x2 cm.
Trẻ nôn ra dị vật là chiếc kẹp tóc kích thước 2x2 cm. Ảnh: BVCC. |
Sau lấy dị vật, các chỉ số sinh tồn của bệnh nhi ổn định, hết tím, kích thích, phổi thông khí tốt, tim đều rõ.
Qua sự việc trên, các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần chú ý trong quá trình chăm sóc trẻ. Nếu phát hiện trẻ đang ngậm hoặc ăn những vật dễ gây sặc vào đường thở, người chăm sóc trẻ cần bình tĩnh, dỗ trẻ tự nhè ra.
Bạn tuyệt đối không lấy tay móc miệng trẻ hoặc làm con khóc vì sẽ tăng nguy cơ gây dị vật đường thở.
Trẻ bị hóc dị vật cần sơ cứu kịp thời, đúng cách và đưa ngay đến cơ sở y tế để theo dõi, điều trị. Phụ huynh hãy tự trang bị cho mình các kỹ năng xử trí hóc dị vật để sẵn sàng áp dụng khi không may sự cố xảy ra.
Muốn ăn uống lành mạnh nhưng hay stress công việc? Muốn tập thể dục đều đặn nhưng hay làm việc trễ? Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu một số sách để đồng hành cùng bạn từ phòng gym đến đường chạy, từ văn phòng đến bếp ăn. Tuyển tập này sẽ cung cấp thêm nhiều lựa chọn, và bớt đi một số nỗi lo trên hành trình cân bằng cuộc sống hiện đại.