Mới đây, bé P.Đ.K., 12 tháng tuổi, được gia đình đưa tới khoa Cấp Cứu, Bệnh viện quận Thủ Đức, TP.HCM, trong tình trạng nguy kịch.
Bé K. được gia đình phát hiện trong tình trạng da tím tái, nghẹt thở, chân tay rất lạnh do mắc nghẹn quả chôm chôm.
Ngay lập tức, cha bé bế con trong tư thế dốc ngược đầu xuống đất và đưa đến phòng khám tư nhân gần nhà. Tại phòng khám, bác sĩ thực hiện các biện pháp sơ cứu như vỗ lưng, ấn ngực.
Lúc này, da bé hồng hào và cơ thể ấm hơn nhưng quả chôm chôm chưa được lấy ra. Bác sĩ tại phòng khám và gia đình nhanh chóng gọi xe cấp cứu chở bé đến bệnh viện.
Bệnh nhi 12 tháng tuổi phải thở máy, tổn thương não do hóc dị vật. Ảnh: BVCC. |
Bệnh nhi được chuyển vào khoa Cấp cứu, Bệnh viện quận Thủ Đức, trong tình trạng lơ mơ, không đáp ứng kích thích đau, thở chậm, mạch nhẹ khó bắt, chi mát, da tím tái, đồng tử giãn 3 mm hai bên nhưng còn phản xạ ánh sáng. Các bác sĩ cho biết bé bị tổn thương não do thiếu oxy.
Bác sĩ trực đã khẩn trương thực hiện thủ thuật Heimlich - cấp cứu đẩy dị vật là quả chôm chôm có kích thước 1x2 cm - ra khỏi đường thở của bé. Sau đó, bé được đặt nội khí quản và lập đường truyền tủy xương.
Sau 2-3 phút, da bệnh nhi bắt đầu hồng, chi ấm, mạch bắt rõ. Bé được thở máy, an thần và làm các xét nghiệm đánh giá tổn thương não trước khi chuyển qua đơn vị Hồi sức tích cực Nhi.
BSCKI Nguyễn Hà Phương, đơn vị Hồi sức tích cực Nhi, cho biết sau 3 ngày điều trị, các bác sĩ đã cai máy thở cho bé thành công. Các cơ quan bị tổn thương ở mức độ nhẹ đã hồi phục.
Các bác sĩ khuyến cáo đây là thời gian nhiều loại trái cây vào mùa. Số trường hợp hóc trái cây cũng ngày càng tăng. Nhiều trường hợp đã tử vong vì tắc nghẽn đường thở.
"Cha mẹ cần nâng cao nhận thức về sự an toàn cho con em mình, đặc biệt không nên để trẻ tự ăn các loại quả trơn, dễ hóc mà không có sự giám sát của người lớn. Việc đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ cũng phải đi kèm yếu tố an toàn", bác sĩ Phương cảnh báo.