Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Linh, Phó trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt - Tạo hình - Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho biết bệnh viện vừa tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhi N.A.T. (2 tuổi, ở Cao Bằng) bị chó tấn công.
Trước đó, bệnh nhi được đưa đến bệnh viện trong tình trạng tỉnh táo, vết thương vùng má, rạn sọ. Đặc biệt, toàn bộ nhãn cầu bị trật ra khỏi hốc mắt, tính mạng nguy hiểm.
Gia đình cho biết trước đó bé sang nhà hàng xóm chơi. Trong lúc chơi đùa, bé đã bị chó becgie nhà hàng xóm nặng khoảng 40 kg lao vào cắn. Gia đình phát hiện xông vào đánh đuổi chó ra ngoài rồi đưa bé đến cơ sở y tế địa phương sơ cứu, sau đó chuyển xuống Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Một nam bệnh nhân bị chó becgie cắn không thể qua khỏi hồi tháng 8. Ảnh: BVCC. |
Tại đây, các bác sĩ đã đã mổ cấp cứu bảo toàn tính mạng cho bệnh nhân. Kíp mổ đã dùng băng chun ép sau mổ để bảo vệ mắt, giữ vị trí của nhãn cầu không bị trật ra ngoài hốc mắt. Hiện tại, các bác sĩ chưa đánh giá được chức năng nhìn của em bé.
Nguy hiểm hơn, do chó becgie nhà hàng xóm chưa được tiêm phòng dại nên sau khi phẫu thuật cho bệnh nhi, các bác sĩ đã đưa bé đi tiêm phòng dại rồi chuyển sang Bệnh viện Mắt Trung ương tiếp tục theo dõi và điều trị.
Theo bác sĩ Linh, thú nuôi tuy rất thân thiện với người nhưng tiềm ẩn nguy cơ, nhất là với gia đình có trẻ nhỏ. Vì vậy, nếu nuôi chó, gia đình phải tiêm phòng, đeo rọ mõm cho chó ở những nơi công cộng, không cho trẻ con tiếp xúc với chó mèo để tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Trước đó, cuối tháng 8, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng cấp cứu cho một nam bệnh nhân 49 tuổi (ở Thanh Xuân, Hà Nội) bị hai con chó becgie tấn công. Tuy nhiên, bệnh nhân quá nặng nên không thể qua khỏi.