BS.CKII Nguyễn Đỗ Trọng - khoa Ngoại nhi, BVĐK Tâm Anh TP.HCM - cho biết bệnh nhi nhập viện trong tình trạng đau bụng cấp tính, liên tục quấy khóc. Kết quả chụp CT phát hiện dị vật trong ruột non, chẩn đoán tắc ruột, cần mổ cấp cứu.
Hai ngày trước đó, bé có biểu hiện chán ăn, không đi cầu, nôn ói, khiến gia đình nghĩ rối loạn tiêu hóa. Chiều 17/6, bé sốt, liên tục quấy khóc và được đưa đi cấp cứu. Khi chụp CT, bác sĩ phát hiện bé tắc ruột do dị vật chưa xác định và được BS.CKII Nguyễn Đỗ Trọng phẫu thuật. Khi mở bụng kiểm tra, bác sĩ phát hiện đoạn cuối hồi tràng căng giãn, tiến hành rạch ruột, gắp dị vật.
“Dị vật là bông gòn đựng đầy bát dung tích 500 ml, chứng tỏ bé nuốt từ lâu và không tiêu hóa được, gây tắc ruột”, bác sĩ Trọng cho hay.
Ca phẫu thuật kéo dài 1,5 giờ. Ê-kíp phẫu thuật gắp được hàng chục cuộn bông gòn ùn ứ trong ruột, cẩn trọng vuốt thông ruột kiểm tra để không sót dị vật.
Bác sĩ BVĐK Tâm Anh phẫu thuật, gắp dị vật ùn ứ trong ruột non gây tắc ruột. |
Theo bác sĩ Trọng, tình trạng trẻ nhỏ tắc ruột do bã thức ăn không hiếm gặp. Tuy nhiên, trường hợp này khá hy hữu, do bé ăn bông gòn trong búp bê yêu thích. Nếu không phẫu thuật kịp thời, trẻ có nguy cơ thủng ruột, viêm phúc mạc, dễ sốc nhiễm trùng, tử vong.
Sau ca mổ, bệnh nhi tỉnh táo, có thể ăn uống. Sau khi sức khỏe phục hồi, bé tiếp tục được thăm khám, tư vấn với bác sĩ tâm lý.
Theo gia đình, khi đi học, bé mang theo gấu bông nhỏ để ôm khi ngủ trưa. Sau sự việc, gia đình kiểm tra và phát hiện gấu bông có vết rách, mất một nửa lượng bông nhồi.
“Ở nhà bé thường xem TV và điện thoại, yêu thích video ăn uống, đặc biệt cảnh ăn kẹo bông gòn. Lớp bé học có gắn camera, nhưng bé trùm kín chăn khi ngủ nên gia đình không phát hiện”, mẹ bé chia sẻ.
Gấu bông mất một nửa lượng bông nhồi, do bé gái 4 tuổi nuốt vào bụng. |
Theo bác sĩ, nhiều khả năng trẻ ăn bông gòn do chưa đủ nhận thức, ảnh hưởng bởi video ăn uống trên mạng xã hội. Ngoài ra, một số trường hợp liên quan đến vấn đề tâm lý, trẻ có thể mắc hội chứng Rapunzel hoặc Pica. Hội chứng Rapunzel thường gặp ở bé gái thích ăn tóc, hội chứng Pica liên quan đến sự thèm đồ ăn không phải thực phẩm như quần áo, len, tóc, vật thể kim loại nhỏ. Đây là rối loạn ăn uống có thể gặp ở trẻ mắc chứng tự kỷ.
Bác sĩ Trọng khuyến cáo trẻ tắc ruột giai đoạn đầu thường khó xác định, dễ nhầm với bệnh táo bón hoặc rối loạn tiêu hóa thông thường. Đoạn ruột trên chỗ tắc trướng và căng dãn, tăng áp lực trong lòng ruột, gây ứ trệ tĩnh mạch và giảm tưới máu mao mạch, khiến niêm mạc ruột tổn thương, phù nề, xung huyết, dẫn đến giảm và mất quá trình hấp thu. Bên cạnh đó, trẻ nôn nhiều dẫn đến mất nước và rối loạn điện giải.
Số lượng bông gòn được lấy ra từ bụng bé gái. |
Dấu hiệu nhận biết ban đầu là đau bụng. Trẻ bị đau đột ngột, dữ dội, sau đó cơn đau tăng dần gây quấy khóc. Trẻ tắc ruột do thức ăn thường nôn hoặc buồn nôn, kèm chướng bụng.
Để phòng tắc ruột, phụ huynh cần quan tâm trẻ, giáo dục để con biết đồ được ăn và không thể ăn. Khi trẻ có dấu hiệu liên quan đường tiêu hóa như chán ăn, bỏ ăn, đau bụng, nôn, đi ngoài dị vật bất thường, phụ huynh cần đưa đi khám để chẩn đoán, điều trị kịp thời.
Với đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm, áp dụng kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị, khoa Ngoại Tim mạch - Ngoại Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh điều trị thành công các bệnh lý bẩm sinh như bệnh tim bẩm sinh, bệnh lý lồng ngực như lõm ngực, lồi ngực, thoát vị hoành, bệnh lý nang tuyến phổi bẩm sinh, bệnh lý ống bẹn ở trẻ em (thoát vị bẹn ở trẻ trai - trẻ gái, tràn dịch màng tinh hoàn, tinh hoàn ẩn), hẹp bao quy đầu ở trẻ, cong dương vật, dính da bìu, phì đại môi bé, sa niêm mạc niệu đạo ở trẻ gái, thịt dư cạnh hậu môn, dính - dư ngón, chai mắt cá chân, nang giáp móng, hạch vùng nách, cổ, vai sau khi chích ngừa vaccine lao, nang nhầy môi dưới, dò trước tai, dò vùng cổ - ngực bẩm sinh, ngón tay cò súng, nang hoạt mạc ở khoeo tay, khoeo chân, cổ tay, bướu máu, kén mô mềm, kén bã, các u phần mềm... Trẻ được điều trị bằng phương pháp ít xâm lấn, hồi phục nhanh, giảm nguy cơ biến chứng.
Website: tamanhhospital.vn | Fanpage: facebook.com/benhvientamanh.