Từ 26/1, khán giả chuẩn bị đón xem Maze Runner: The Death Cure, tập cuối cùng của loạt phim chuyển thể từ chuỗi tiểu thuyết văn học Giải mã mê cung của nhà văn James Dashner.
Khác với Harry Potter, Twilight hay The Hunger Games, đó là một tác phẩm duy nhất, chứ không bị chia làm hai tập. Và điều đó đã được đạo diễn Wes Ball khẳng định từ khi phát triển dự án.
Xu hướng bắt đầu từ đầu thế kỷ XXI
Trên thực tế, chiêu thức “bẻ đôi” bắt đầu manh nha từ loạt phim The Matrix - Ma trận và Kill Bill - Cô dâu báo thù. Sau thành công vang dội của tập đầu tiên năm 1999, chị em đạo diễn Wachowski bèn bắt tay thực hiện phần tiếp theo cho tác phẩm về người hùng Neo (Keanu Reeves) và thế giới ma trận còn nhiều bí ẩn.
The Matrix - Ma trận có lẽ là loạt phim tiên phong cho phong trào "bẻ đôi" bom tấn ở Hollywood trong đầu thế kỷ XXI. Ảnh: Warner Bros. |
Thành quả chính là The Matrix Reloaded (2003) và The Matrix Revolutions (2003), ra rạp cách nhau chỉ đúng 6 tháng bởi cả hai được thực hiện cùng lúc. Phần Reloaded rất ăn khách với doanh thu gần 750 triệu USD. Nhưng nội dung gây tranh cãi của tập phim khiến Revolutions sau đó chỉ còn mang về 427,3 triệu USD - tức kém nhất cả loạt phim.
Trường hợp của Kill Bill Vol. 1 (2003) và Vol. 2 (2004) khác hơn. Sau khi hoàn thành câu chuyện về cô dâu báo thù (Uma Thurman), đạo diễn Quentin Tarantino và hãng Miramax nhận ra rằng thành phẩm quá dài, và đồng thuận chia tác phẩm dài hơn ba tiếng ra thành hai phần.
Kill Bill Vol. 1 và Vol. 2 có cốt truyện phi tuyến tính, với những màn hồi tưởng đan xen trong cả hai tập. Kết quả cuối cùng là doanh thu trên 330 triệu USD đến từ cả hai phần, trong khi Miramax ban đầu chỉ phải đầu tư 60 triệu USD cho tưởng như chỉ một dự án duy nhất.
Song, Harry Potter có lẽ mới là thương hiệu biến chiêu thức “bẻ đôi” thành mốt thời thượng tại Hollywood. Cuốn tiểu thuyết cuối cùng - Harry Potter and the Deathly Hallows - thực tế có độ dài gần như tương đương ba tập trước đó. Nhưng hãng Warner Bros. không thể dễ dàng chia tay loạt phim giúp mình thu về hàng tỷ USD.
Warner Bros. biến đây trở thành trào lưu mới tại Hollywood với Harry Potter and the Deathly Hallows Part 1 và Part 2. Ảnh: Warner Bros. |
Họ “bật đèn xanh” cho đạo diễn David Yates làm Harry Potter and the Deathly Hallows - Part 1 (2010) và Part 2 (2011) với tổng số tiền đầu tư lên tới 250 triệu USD. Kết quả cuối cùng là mỹ mãn, khi tập đầu thu 960 triệu USD, còn tập sau là hơn 1,34 tỷ USD.
Bắt đầu trở thành trào lưu
Giống như Harry Potter đối với Warner Bros., Twilight - Chạng vạng là “con gà đẻ trứng vàng” của hãng Summit / Lionsgate. Trông thấy thành công của đối thủ, họ cũng quyết định chia cuốn tiểu thuyết cuối - Breaking Dawn - ra làm hai phần trên màn ảnh rộng.
The Twilight Series thực tế là loạt phim bị giới phê bình ghẻ lạnh, bất chấp thành công lớn tại phòng vé. Và việc chia Breaking Dawn làm hai tập phim cũng không giúp yếu tố nghệ thuật tăng cao là bao.
Song, hầu bao của Summit / Lionsgate chắc chắn hưởng lợi. Hai tập cuối của loạt Chạng vạng giúp các fan trung thành có cơ hội thưởng thức nhiều cảnh mùi mẫn hơn giữa ma cà rồng Edward (Robert Pattinson) với cô gái người phàm Bella (Kristen Stewart), cũng như các pha giao chiến giữa ma cà rồng và người Sói.
Canh bạc “bẻ đôi” thêm một lần nữa chứng tỏ sự hiệu quả khi Breaking Dawn - Part 1 (2011) và Part 2 (2012) mang về tổng doanh thu hơn 1,5 tỷ USD, so với kinh phí sản xuất là 230 triệu USD cho cả hai phần.
The Hobbit ban đầu dự kiến kéo dài hai tập, nhưng sau đó đã được đạo diễn Peter Jackson biến thành trilogy, thu gần 3 tỷ USD tại phòng vé. Ảnh: Warner Bros. |
Warner Bros. thêm một lần nữa trở lại với trào lưu qua The Hobbit. Có ý kiến cho rằng cuốn tiểu thuyết gốc của J.R.R. Tolkien rất ngắn, có thể được gói gọn chỉ trong một phim duy nhất. Song, đạo diễn Peter Jackson ban đầu dự kiến thực hiện hai tập phim chuyển thể, và rồi sau đó mở rộng thương hiệu thành trilogy (bộ ba phim).
The Hobbit vẫn lấy bối cảnh Trung Địa hấp dẫn, nhưng vấp phải không ít chỉ trích về sự dài dòng, và không thể gây tiếng vang lớn như The Lord of the Rings. Có một thực tế rằng doanh thu loạt phim cứ thế giảm dần: An Expected Journey (2012) thu 1,02 tỷ USD, The Desolation of Smaug (2013) thu 958,4 triệu USD, và The Battle of the Five Armies thu 956 triệu USD.
Tổng thành tích 2,93 tỷ USD vẫn là chiến thắng vang dội của Warner Bros., khi họ chỉ phải bỏ ra chưa đầy 700 triệu USD cho cả ba tập phim. Tuy nhiên, những hoài nghi dành cho chiêu thức “bẻ đôi” bom tấn bắt đầu xuất hiện từ đây.
Những canh bạc “đổ vỡ”
Sau khi hai tập đầu tiên của The Hunger Games mang về hơn 1,4 tỷ USD, công chúng không còn cảm thấy ngạc nhiên khi hãng Lionsgate quyết định biến cuốn tiểu thuyết cuối cùng - Mockingjay - làm hai tập phim.
Tuy nhiên, đó là nước đi khá mạo hiểm của họ. The Hunger Games (2012) và Catching Fire (2013) đều lấy bối cảnh trong Đấu trường Sinh tử, khi nữ nhi Katniss Everdeen (Jennifer Lawrence) cùng những người bạn phải tìm cách vượt qua những thử thách chết chóc. Còn bước sang phần cuối Mockingjay, cô đã ra ngoài đấu trường, trở thành lãnh đạo tin thần cho người dân lật đổ chính phủ Panem thối nát.
Khi mô-típ đấu trường không còn nữa, The Hunger Games bỗng nhiên mất đi một phần sức hút nhất định. Vấn đề lớn hơn nằm ở chỗ, Mockingjay - Part 1 (2014) hoặc Part 2 (2015) rất khó có thể coi là một tác phẩm độc lập mà buộc phải dựa vào nhau. Còn khán giả thì phải chờ đợi một năm giữa hai tập phim.
The Hunger Games: Mockingjay - Part 1 và Part 2 cho thấy khán giả bắt đầu không còn mặn mà với chiêu thức "bẻ đôi" bom tấn. Ảnh: Lionsgate. |
Kết quả phòng vé đã cho thấy Lionsgate thất bại trong “canh bạc” mới. Mockingjay - Part 1 thu 755,4 triệu USD, tức thua Catching Fire (2013). Còn Mockingjay - Part 2 chỉ còn mang về 653,4 triệu USD, tức kém nhất cả loạt phim.
Cũng trong khoảng thời gian này, Lionsgate còn cố gắng chuyển thể một loạt tiểu thuyết dành cho thiếu niên nữa lên màn bạc là Divergent - Dị biệt của nhà văn Veronica Roth. Hay bị coi là “The Hunger Games phiên bản hạng B”, đây chỉ là thương hiệu thường thường bậc trung trên màn ảnh.
Nhưng ngay cả với Divergent, Lionsgate cũng toan áp dụng chiến lược “bẻ đôi” cho tập truyện cuối là Allegiant. Song, phần ba trên màn ảnh - Allegiant (2016) - là thất bại thảm hại khi chỉ thu chưa đầy 180 triệu USD. Hậu quả là hãng phim giờ dẹp luôn kế hoạch làm phần phim cuối mang tên Ascendant, và muốn biến đây thành series truyền hình mới.
Chiến lược mới vấp phải sự phản đối dữ dội từ chính ngôi sao Shailene Woodley của loạt phim điện ảnh, và cho tới giờ, số phận của thương hiệu Divergent vẫn là dấu hỏi rất lớn.
Dòng phim siêu anh hùng không mặn mà
Đã có lúc, khán giả tưởng như chiêu thức “bẻ đôi” bom tấn sẽ hồi sinh nhờ dòng phim siêu anh hùng, khi Marvel Studios tuyên bố làm Avengers: Infinity War - Part 1 (2018) và Part 2 (2019), còn DC Films không chịu kém cạnh với Justice League - Part 1 (2017) và Part 2 (2019).
Nhưng khi hai anh em đạo diễn nhà Russo chính thức bắt tay tiếp quản thương hiệu Avengers từ Joss Whedon, họ tuyên bố hai tập phim tiếp theo sẽ là hai tác phẩm hoàn toàn riêng biệt. Họ xóa bỏ chữ Part 1 ở Infinity War, đồng thời chưa tiết lộ tựa đề chính thức của Avengers 4 do nó có thể làm lộ đoạn kết của bom tấn 2018.
Avengers: Infinity War và Avengers 4 sẽ là hai tác phẩm riêng rẽ, hoàn toàn có thể đứng độc lập. Ảnh: Disney. |
Câu chuyện của Justice League có lẽ phức tạp hơn. Chuyện bom tấn có Part 1 và Part 2 được công bố từ năm 2014 với vị trí đạo diễn dành cho Zack Snyder. Tuy nhiên, sau khi nhà làm phim gặp thất bại với Batman v Superman: Dawn of Justice (2016), mọi chuyện bỗng thay đổi chóng mặt.
Chữ Part 1 bị gạch bỏ, và Justice League mới trình làng khán giả hồi cuối 2017. Song, đây lại là một thất bại nữa của Zack Snyder nói riêng, và DCEU nói chung. Cộng thêm bi kịch mất con gái của Snyder, cho đến giờ, Justice League 2 hoàn toàn biến mất khỏi lịch phát hành dự kiến của Vũ trụ Điện ảnh DC.
Bên cạnh yếu tố doanh thu luôn là dấu hỏi lớn, cả Marvel lẫn DC có lẽ khó áp dụng chiêu thức “bẻ đôi” còn bởi điều này yêu cầu các ngôi sao phải tham gia quá trình ghi hình dài hơi, tốn nhiều thời gian hơn. Các tập cuối của Harry Potter, Twilight hay The Hunger Games thực tế đều được ghi hình liền mạch, rồi sau đó mới bị chia cắt ở phòng dựng.
Trào lưu sẽ “mất tích”?
Nhìn chung, chuyện các bom tấn có Part 1 và Part 2 đang dần biến mất ở Hollywood. Sau Harry Potter, Warner Bros. làm tiếp thương hiệu phim lấy cùng bối cảnh thế giới phù thủy là Fantastic Beasts and Where to Find Them.
Ngay trước giờ phần đầu tiên ra rạp hồi mùa thu 2016, nhà văn J.K. Rowling - người đồng thời sắm vai trò biên kịch - tuyên bố sẽ mở rộng loạt phim từ 3 lên thành 5 tập. Song, đây đều là các sáng tác mới, và chúng giống như những phần tiếp theo truyền thống ở Hollywood.
Đạo diễn Wes Ball đã từ chối biến Maze Runner: The Death Cure ra thành hai tập phim. Còn tập cuối của loạt phim phòng the 50 sắc thái - Fifty Shades Free (2018) - rốt cuộc cũng chỉ có một phần duy nhất, chứ không được Universal kéo dài.
Sẽ có người nhắc tới IT - hai tập phim kinh dị được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Stephen King. Phần một mới ra mắt hồi tháng 9/2017 và xô đổ hàng loạt kỷ lục doanh thu với thành tích lên tới hơn 700 triệu USD.
Nhưng đến giờ, khi IT: Chapter 2 (2019) đang trong giai đoạn tiền kỳ, và Warner Bros. chưa cho thấy bất cứ dấu hiệu nào của việc sẽ xuất hiện IT: Chapter 3. Họ có lẽ sẽ không làm vậy, bởi việc “bẻ đôi” sẽ khiến cấu trúc cân xứng của nguyên tác bị phá vỡ, với câu chuyện 33 năm sau tại thị trấn Maine của lũ trẻ khi xưa.