Hai mắt của bé gái bị bỏng kết - giác mạc do nhiệt kèm nhiều dị vật giác mạc. Ảnh: BVCC. |
Bệnh nhi là bé gái tên T., 11 tuổi, trú huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An). Bé được gia đình đưa đến Bệnh viện Sản nhi Nghệ An vì bỏng hai mắt, vùng mặt và tay do tự chế pháo bằng diêm.
Theo lời kể của người thân, trong lúc bố mẹ không để ý, bé T. đã cạo đầu đỏ của các que diêm sau đó cho vào cối giã. Trong lúc thực hiện thì các đầu đốt bỗng bùng cháy mạnh, phóng thẳng vào mặt trẻ.
Sau tai nạn, mắt trẻ đau nhức, khó mở mắt, xuất hiện nhiều vết bỏng loét vùng da mặt và bàn tay phải. Gia đình đã nhanh chóng đưa cháu vào viện điều trị.
Tại đây, các bác sĩ tiến hành khám, phát hiện hai mắt bị bỏng kết - giác mạc do nhiệt kèm nhiều dị vật giác mạc. Bệnh nhi đã được các bác sĩ điều trị tích cực, kết hợp lấy dị vật giác mạc dưới máy sinh hiển vi.
Sau 8 ngày điều trị, giác mạc biểu mô hoá hoàn toàn, thị lực phục hồi tốt. Vùng da mặt và tay bị bỏng đã phục hồi dần.
Các bác sĩ khoa Mắt cho biết những năm qua, khoa đều tiếp nhận rất nhiều trường hợp trẻ bị tổn thương do pháo nói chung hoặc các vật dụng liên quan đến pháo nổ tự chế nói riêng.
Trong đó, đa phần các trường hợp đều bị chấn thương mắt, tay, bỏng mặt và bỏng toàn thân, thậm chí có trường hợp để lại di chứng nặng như mù vĩnh viễn, mất bàn tay...
Dịp Tết Nguyên đán đang cận kề, các bác sĩ khuyến cáo các gia đình có con nhỏ thường xuyên nhắc nhở và quản lý các trẻ để tránh những hậu quả đáng tiếc liên quan đến pháo nổ có thể xảy ra.
Cuốn sách bên bờ sự sống
Ngành y là ngành luôn chứng kiến ranh giới sự sống - cái chết của người khác, nhưng Khi hơi thở hóa thinh không lại là một cuốn sách đặc biệt khi nó là khoảnh khắc đối diện cái chết của người viết trong cả vai trò bác sĩ lẫn bệnh nhân. Cuốn hồi ký được bác sĩ thần kinh Paul Kalanithi viết khi căn bệnh ung thư trở nặng, anh ngồi trên xe lăn và nhớ về những tháng ngày cống hiến cho ngành y.