Gù vẹo cột sống trong lứa tuổi trẻ em và dậy thì không điều trị dẫn đến diễn tiến nặng, gây tàn tật suốt đời. Ảnh: Pexels. |
Bác sĩ Trịnh Quang Anh, Trưởng đơn vị Hiệu chỉnh cơ xương khớp, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP.HCM, cho biết đã tiếp nhận bé gái 12 tuổi bị vẹo cột sống. Người nhà cho hay đã phát hiện trẻ có dấu hiệu bất thường ở cột sống trước đó nhưng không xử lý triệt để.
Biến dạng lồng ngực vì vẹo sột sống
Theo lời kể của phụ huynh của bệnh nhi, trước đó cha mẹ có để ý thấy khi bé học bài thường cúi mặt xuống và đưa bả vai lên. Khi viết, trẻ luôn cúi đầu xuống.
Từ khi bé dậy thì, dấu hiệu này càng rõ hơn, cột sống và vai bé phát triển bất thường. Đến 12 tuổi, phụ huynh mới đưa bé đi khám ở nhiều nơi và áp dụng phương pháp điều trị cho bé nhưng không hiệu quả.
Tại Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP.HCM, thi thăm khám, các bác sĩ phát hiện bé bị vẹo cột sống và gù.
"Do để lâu ngày, căn bệnh này đã biến chứng biến dạng lồng ngực, cột sống bị cong chữ S, chức năng hô hấp cũng thay đổi", bác sĩ Quang Anh cho hay.
Hình ảnh cột sống biến dạng của một bệnh nhân bị gù vẹo cột sống. Ảnh: Huy Hoàng. |
Sau khi được thăm khám, bác sĩ đã hướng dẫn đi đặt áo hỗ trợ cột sống và điều trị vật lý trị liệu. Trẻ được tập vật lí trị liệu 5 ngày trong một tuần. Khi mới đeo áo hỗ trợ cột sống, bé cảm thấy khó khăn trong sinh hoạt nhưng sau một thời gian, trẻ đã quen và thoải mái hơn.
"Bác sĩ đã chia sẻ nếu không điều trị, tương lai trẻ sẽ mắc bệnh tim và một số bệnh khác. Vì vậy, con tôi phải mặc áo hỗ trợ cột sống cho đến 18 tuổi và kết hợp với tập vật lý trị liệu. Nếu đến 18 tuổi, trẻ vẫn còn bị vẹo cột sống sẽ phải phẫu thuật", người nhà bé gái nói với Tri thức trực tuyến.
Ngày càng nhiều trẻ nhỏ bị vẹo cột sống
Theo bác sĩ Quang Anh, vẹo cột sống là biến dạng của cột sống, trong đó, chúng bị cong lệch sang một bên theo hình chữ C trên mặt phẳng trán. Người bệnh có thể bị cong 2 vị trí trở lên theo hình chữ S.
Gù là cột sống bị cong ra sau quá mức theo mặt phẳng trước, sau. Theo định nghĩa, bệnh nhân gù có ít nhất 3 đốt sống liên tiếp có góc gù thân đốt ≥ 5 độ gây nên, góc gù càng lớn thì càng nghiêm trọng.
Một số trường hợp các đốt sống xoay theo mặt phẳng ngang, tùy vị trí cao thấp gây biến dạng hình thể thân trên và lồng ngực hoặc xoay khung chậu thay đổi dáng đi. Các trường hợp phức tạp bao gồm đủ cả gù, vẹo và xoay cột sống.
"Điều nguy hiểm là các dị tật này thường xuất hiện trong giai đoạn phát triển mạnh nhất của trẻ, trước tuổi dậy thì. Vì vậy, các phía đốt sống bị chèn ép và chịu lực không phát triển so với phí bên kia, dẫn đến biến dạng đốt sống, cột sống, lồng ngực, thay đổi hình thể và dáng đi", bác sĩ Quang Anh nhấn mạnh.
Theo bác sĩ Trịnh Quang Anh, trước đây đa phần không tìm thấy nguyên nhân của vẹo cột sống, nhưng hiện nay, trẻ em được sử dụng smartphone nhiều dễ dẫn đến mắc bệnh này.
"Một số trẻ 4-5 tuổi đã có điện thoại và dùng suốt cả ngày. Việc này đã ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe cột sống, dẫn đến trình trạng trẻ mắc bệnh về cột sống ngày càng nhiều", bác sĩ Quang Anh nói.
Gần đây, bệnh viện cũng tiếp nhận nhiều ca vẹo cột sống học đường. Các độ tuổi đến bệnh viện thăm khám từ 5-6 tuổi đến 22-23 tuổi.
Gù vẹo cột sống trong lứa tuổi trẻ em và dậy thì không được điều trị sẽ dẫn đến diễn tiến nặng, gây tàn tật suốt đời, làm giảm thể tích bên trong lồng ngực, gây ảnh hưởng xấu chức năng hô hấp, từ đó suy giảm thể chất.
Khi lớn lên, tinh thần của trẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, mặc cảm, tự ti, không giao tiếp xã hội và chất lượng cuộc sống giảm.
Vì vậy, chuyên gia khuyến cáo cha mẹ nên chú ý đến con. Đặc biệt là thời gian sử dụng điện thoại hợp và tư thế ngồi xem.
"Đa phần phụ huynh có con gù vẹo cột sống nặng cảm thấy rất đau xót và day dứt khi không cho con điều trị sớm, dẫn đến bị tật nguyền suốt đời. Vì vậy, ngay từ khi trẻ có những dấu hiệu nhẹ, cha mẹ nên đưa con đi thăm khám và điều trị kịp thời", Trưởng đơn vị Hiệu chỉnh cơ xương khớp, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP.HCM cho hay.
Cuốn sách bên bờ sự sống
Ngành y là ngành luôn chứng kiến ranh giới sự sống - cái chết của người khác, nhưng Khi hơi thở hóa thinh không lại là một cuốn sách đặc biệt khi nó là khoảnh khắc đối diện cái chết của người viết trong cả vai trò bác sĩ lẫn bệnh nhân. Cuốn hồi ký được bác sĩ thần kinh Paul Kalanithi viết khi căn bệnh ung thư trở nặng, anh ngồi trên xe lăn và nhớ về những tháng ngày cống hiến cho ngành y.