Ấu trùng giun móc chó, mèo tạo đường hầm và gây tổn thương trên da người. Ảnh: BVCC. |
Anh H. (32 tuổi, Hà Nội) tới Bệnh viện Đặng Văn Ngữ ((thuộc Viện sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương), Hà Nội, khám trong tình trạng trên người có nhiều mảng da trầy xước, nhiễm trùng kèm vết ngoằn ngoèo như giun bò.
Anh H. thường xuyên bị những cơn ngứa dữ dội hành hạ, tái đi tái lại suốt 10 năm.
10 năm không tìm ra bệnh
“Tôi cũng luôn mang bên mình lọ thuốc dị ứng, thấy ngứa là phải uống ngay nhưng chỉ đỡ đi chứ không hết hẳn. Tôi cảm thấy rất phiền toái về bệnh này”, anh H. nói.
Khai thác bệnh sử, người đàn ông cho biết bản thân yêu thích thú cưng, đã nuôi chó trong thời gian hơn chục năm nay. Do đó, anh không nghĩ mắc bệnh từ thú cưng lây truyền sang.
Nghi ngờ anh H. mắc bệnh từ vật nuôi, bác sĩ đã chỉ định cho bệnh nhân làm xét nghiệm.
TS.BS Trần Huy Thọ, Phó giám đốc thường trực Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, cho biết đúng như dự đoán, kết quả của anh H. có chỉ số Elisa dương tính với giun đũa chó, mèo và bạch cầu ái toan tăng kèm theo các triệu chứng dị ứng trên da.
Bệnh nhân được dùng thuốc điều trị bệnh đặc hiệu để giảm sự phát triển của ấu trùng và các triệu chứng ngứa.
Phân tích về trường hợp của anh H., bác sĩ Thọ cho biết sau mỗi lần dùng dùng thuốc chống dị ứng, bệnh nhân chỉ giảm đi triệu chứng ngứa chứ không được điều trị triệt để nguyên nhân gây ra bệnh.
Sau thời gian điều trị, bệnh nhân đã giảm hẳn ngứa nhưng vẫn phải tái khám và đánh giá mức độ đáp ứng điều trị bệnh.
Chị D. tới bệnh viện khám trong tình trạng hay xuất hiện những cơn ngứa, nhiều vết trầy xước trên da. Ảnh: BVCC. |
Trường hợp khác cũng đang điều trị tại cơ sở y tế này là chị D. (40 tuổi, trú tại Hưng Yên).
Người phụ nữ tới khám do hay xuất hiện những cơn ngứa, nhiều vết trầy xước trên da. Mỗi lần ngứa, chị D. gãi kèm theo nhiều đám tổn thương trên da, khiến tay và chân đều bị trầy xước.
Bệnh nhân cho hay tình trạng này đã kéo dài 5 năm nay, đi khám da liễu nhiều nơi nhưng bệnh không thuyên giảm.
Chị D. chia sẻ thêm có nuôi 2 con mèo Anh lông dài đã 5 năm.
Sau khi thăm khám và làm xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán người phụ nữ này bị nhiễm ký sinh trùng. Hiện tại, sau một liệu trình điều trị, các đợt ngứa của chị đã thưa hẳn.
Triệu chứng dễ nhầm lẫn với bệnh da liễu, dị ứng
Theo TS.BS Trần Huy Thọ, hiện nay, nhiều người nuôi thú cưng có thói quen chơi và ngủ cùng chó, mèo. Điều này dẫn tới nguy cơ tương đối cao nhiễm giun đũa chó, mèo.
Người bị nhiễm giun đũa, giun móc từ chó, mèo thường tới viện trong tình trạng bị ngứa dữ dội, tổn thương, nhiễm trùng trên da nhiều năm. Họ đa số đã đi khám, điều trị tại một số bệnh viện chuyên khoa da liễu, miễn dịch lâm sàng nhưng bệnh không thuyên giảm.
Khi ngứa, bệnh nhân sẽ gãi và gây tổn thương nhiều mảng da. Đầu móng tay bẩn là môi trường để vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể khi gãi.
TS.BS Trần Huy Thọ, Phó giám đốc thường trực Bệnh viện Đặng Văn Ngữ. Ảnh: BVCC. |
Theo TS Thọ, người bị nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo, sán dây, giun lươn, sán máng... thường bị ngứa rất nhiều. Qua một, hai liệu trình điều trị, bệnh nhân có thể giảm triệu chứng ngứa và quay lại sinh hoạt bình thường.
Giun đũa chó, mèo chỉ là vật ký sinh ở chó, mèo. Khi vào cơ thể người, chúng không có chu kỳ sinh sản nên không thể tìm thấy trứng hay ấu trùng của chúng trong phân người.
Ta chỉ có thể tìm thấy kháng thể của giun đũa chó, mèo trong máu bệnh nhân, kèm theo chỉ số bạch cầu ái toan tăng và triệu chứng lâm sàng để chẩn đoán bệnh.
Bệnh ngứa không nguy hiểm tới tính mạng con người nhưng gây ra khó chịu trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.
Để không bị nhiễm ấu trùng giun đũa từ chó mèo, TS Thọ khuyến cáo không nên ăn ngủ chung, ôm hôn chó, mèo. Bạn nên vệ sinh sạch sẽ cho thú cưng, kể cả bát đựng thức ăn, chất thải... Bên cạnh đó, vật nuôi nên được tẩy giun định kỳ sẽ giảm nguy cơ truyền bệnh ấu trùng sang người.
Cuốn sách bên bờ sự sống
Ngành y là ngành luôn chứng kiến ranh giới sự sống - cái chết của người khác, nhưng Khi hơi thở hóa thinh không lại là một cuốn sách đặc biệt khi nó là khoảnh khắc đối diện cái chết của người viết trong cả vai trò bác sĩ lẫn bệnh nhân. Cuốn hồi ký được bác sĩ thần kinh Paul Kalanithi viết khi căn bệnh ung thư trở nặng, anh ngồi trên xe lăn và nhớ về những tháng ngày cống hiến cho ngành y.