Bệnh nhi nhập viện theo hẹn để đóng tồn tại ống động mạch - di tật bẩm sinh ở tim. Tuy nhiên, sau can thiệp dị tật ở tim, em lơ mơ, giảm tri giác, da tái xanh, đồng tử 2 bên mất cân xứng. Sau khi kiểm tra, đánh giá, chụp CT-scan sọ não khẩn, các bác sĩ ghi nhận tình trạng xuất huyết dưới nhện lan tỏa. Sau khi hồi sức tích cực, chống phù não, đặt dẫn lưu não thất ra ngoài để giảm áp lực nội sọ, tri giác em được cải thiện hơn.
Sau đó, bệnh nhi này được tiến hành chụp mạch máu não xóa nền DSA để đánh giá cấu trúc mạch máu não. Kết quả, bệnh nhi có túi phình ở động mạch não sau bên phải, vỡ ra gây nên tình trạng xuất huyết.
Theo bác sĩ Lê Quang Mỹ, khoa Ngoại Thần kinh, do vị trí khó khăn, phẫu thuật khó tiếp cận, vì vậy can thiệp mạch được ưu tiên lựa chọn. Đặc biệt, trong lần can thiệp nội mạch được tiến hành vài ngày sau khi khảo sát DSA, túi phình đã tăng kích thước, tiềm tàng nguy cơ tái vỡ nếu không điều trị kịp thời. Những ống thông, dây dẫn siêu nhỏ được luồn vào mạch máu, tiếp cận được túi phình và tắc hoàn toàn túi phình bằng những vòng xoắn kim loại. Sau can thiệp, sức khỏe bệnh nhi ổn định và phục hồi dần.
Túi phình mạch máu não trước và sau can thiệp. Ảnh: BVCC |
Bác sĩ Mỹ cho hay túi phình mạch máu não ở trẻ em, đặc biệt trẻ nhỏ là bệnh lý rất hiếm gặp, dễ bỏ sót. Do đó, căn bệnh tiềm ẩn nguy cơ tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Đến nay, nguyên nhân xuất hiện túi phình ở trẻ em vẫn chưa được hiểu rõ, bệnh sinh khác với người lớn. Một số nguyên nhân gây túi phình thường gặp ở trẻ em như chấn thương, nhiễm trùng, hoặc bệnh lý thành mạch bẩm sinh..
Can thiệp nội mạch trong điều trị các bệnh lý mạch máu não ở bệnh nhi vẫn là một thách thức đối với y học hiện tại, bởi còn nhiều khó khăn và hạn chế. Tuy nhiên, các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi đồng 2 đã tiến hành can thiệp và điều trị thành công nhiều trường hợp túi phình mạch máu não, dị dạng động tĩnh mạch cùng với phẫu thuật, góp phần điều trị thành công nhiều trường hợp bệnh lý mạch máu não ở trẻ em.