TS.BS Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Điều trị tích cực - Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết bệnh nhân Nguyễn Nguyễn Thị Hoa (8 tuổi, ở Hà Nội) đã tử vong ngày 14/4. Bệnh nhân nhập viện ngày 12/4 trong tình trạng suy hô hấp nặng, da môi tái, hôn mê sâu, đồng tử giãn, không có phản xạ ánh sáng.
Trước đó, cháu Hoa được bố tắm trong bồn tắm. Nhưng sau đó, bố cháu có việc phải ra ngoài. Khi anh quay lại, cháu Hoa đã nằm bất động trong bồn tắm. Cháu được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện E Trung ương trước khi đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh nhân đã được điều trị tích cực như hồi sức hô hấp/tuần hoàn, chống phù não. Tuy nhiên, sau 2 ngày điều trị, bệnh nhân vẫn hôn mê sâu, phản xạ ánh sáng yếu, rối loạn nước điện giải.
Đuối nước - mối hiểm họa rình rập từ sự bất cẩn của người lớn
Ths.BS Lê Ngọc Duy, Phó trưởng khoa Cấp cứu và chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết đuối nước là tình trạng thiếu oxy do cơ thể bị chìm trong nước. Đây là tai nạn rất thường gặp ở trẻ em, có tỷ lệ tử vong cao. Tại Việt Nam, tỷ lệ tử vong do đuối nước cao gấp 10 lần so với các nước phát triển. Trên 50% các trường hợp chết đuối xảy ra ngoài trời khi trẻ tắm sông, hồ và tắm biển.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến đuối nước ở trẻ em, nhưng phần lớn chủ yếu vẫn là do sự lơ là, chủ quan của các bậc phụ huynh, chưa giám sát chặt chẽ con trẻ hoặc thiếu người trông coi. Ngoài điều kiện tự nhiên như sông, suối, ao, hồ… là môi trường không an toàn cho trẻ nhỏ, ngay cả những dụng cụ chứa nước trong gia đình như lu, vại, bể chứa nước, bồn tắm… cũng có thể là những mối hiểm họa tiềm tàng gây đuối nước cho trẻ.
Xử lý cấp cứu khi bị đuối nước. Ảnh: Bệnh viện cung cấp. |
Đuối nước thường xảy ra rất nhanh, nếu phát hiện muộn rất khó cứu hoặc cứu được cũng để lại di chứng ở não, hệ thần kinh hoặc sống đời sống thực vật. Do đó, các bậc phụ huynh cần phải hết sức nâng cao ý thức quản lý, giảm sát, không để các em tự do tắm sông, biển, hồ bơi, bồn tắm… mà không có người lớn trông nom.
Xử trí khi trẻ đuối nước
Theo bác sĩ Duy, điều quan trọng nhất trong các tai nạn thương tích trẻ em là công tác phòng chống, đừng để tai nạn đáng tiếc xảy ra. Nếu bé đuối nước, người xung quanh cần thực hiện theo các bước đơn giản sau:
Bước 1: Gọi người trợ giúp và nhanh chóng đưa bé ra khỏi nước, kiểm tra đường thở có thông thoáng không?
Bước 2: Sau đó kiểm tra xem bé có còn thở hay không để tiến hành cấp cứu.
Bước 3: Nếu trẻ đã mất ý thức và không thở được, thực hiện “cấp cứu cơ bản” bằng cách ép tim ngoài lồng ngực và hô hấp nhân tạo để khôi phục lại hơi thở của em bé. Tiếp tục cấp cứu trong khi chờ đợi đội cấp cứu đang đến.