Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết đơn vị này vừa phẫu thuật cho bé gái 9 ngày tuổi, ngụ tại An Giang, mắc căn bệnh hiếm khiến toàn bộ nội tạng chui lên lồng ngực qua lỗ khuyết bẩm sinh.
Người nhà bệnh nhi cho biết sau khi sinh được một ngày tuổi, bé bị thoát vị hoành, suy hô hấp nặng, tím tái, rối loạn chuyển hóa tuần hoàn. Bé được đặt nội khí quản, thở máy và chăm sóc tích cực tại Bệnh viện Sản Nhi An Giang.
Kết quả xét nghiệm, siêu âm ổ bụng và chụp X-quang của bé cho thấy hình ảnh dạ dày, quai ruột chiếm toàn bộ phổi, chèn ép và đẩy lệch tim sang bên phải.
Nhận thấy tình trạng bệnh nhi nguy kịch, không thể chuyển viện an toàn, Bệnh viện Sản Nhi An Giang đã liên hệ các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố hỗ trợ.
Qua hội chẩn, các bác sĩ tiên lượng nếu không kịp thời mổ để sắp xếp lại vị trí nội tạng, bé có nguy cơ tử vong rất cao. Tức tốc vượt gần 150 km sau nhận tin báo, đoàn bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đã tiến hành phẫu thuật nội soi cấp cứu cho bệnh nhi.
Bé gái đang được các bác sĩ chăm sóc tích cực sau ca mổ sắp xếp lại vị trí nội tạng. Ảnh: BVCC. |
Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện toàn bộ ruột non, ruột già, lá lách của bé nằm hoàn toàn trên khoang màng phổi. Sau một giờ phẫu thuật, ê-kíp mổ đã đưa các tạng thoát vị từ ngực về ổ bụng cho bé và khâu phục hồi cơ hoành khiếm khuyết. Hiện, bé đã thoát khỏi tình trạng nguy kịch và được điều trị tích cực tại bệnh viện.
BSCKII Nguyễn Kinh Bang, Trưởng khoa Lồng ngực - Mạch máu, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết quá trình gây mê, hồi sức cho bé sơ sinh nhẹ cân rất nguy hiểm. Nếu không có hệ thống hồi sức đồng bộ hỗ trợ trong quá trình chăm sóc và phẫu thuật kịp thời, cháu bé sẽ không thể duy trì được sự sống.
TS.BS Trần Quang Hiền, Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi An Giang, cho biết đây trường hợp mổ nội soi cơ hoành đầu tiên thực hiện thành công tại An Giang.
Thoát vị hoành bẩm sinh ở trẻ sơ sinh là hiện tượng các tạng từ ổ bụng chui lên lồng ngực qua lỗ khuyết bẩm sinh. Tùy thuộc vào lỗ thoát vị to hay nhỏ mà các phủ tạng như dạ dày, ruột non, lách,… có thể chui lên lồng ngực. Trẻ mắc bệnh không được chẩn đoán và can thiệp kịp thời để sắp xếp lại vị trí, nguy cơ tử vong rất cao.