Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bé gái mắc bệnh ngón tay lò xo

Cha mẹ của bé gái phát hiện ngón tay số 4, 5 bên tay trái của con bị gập, co rút, không duỗi ra được. Khi cố gắng nắn lại, ngón tay của bé vẫn co lại như cũ, thậm chí gây đau.

Bác sĩ Trần Trung Kiên, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), cho hay hiện nhiều người mắc bệnh lý ngón tay lò xo, nhưng thường không để ý đến những dấu hiệu sớm. Khi ngón tay co cứng lại khó duỗi, bệnh nhân mới đến khám.

Mới đây, bệnh viện đã phẫu thuật thành công cho bệnh nhi Nguyễn Minh H. (29 tháng tuổi, sống tại Gia Lâm, Hà Nội) với chẩn đoán mắc ngón tay lò xo ngón 4 và 5 bên trái.

“Chỉ sau ít phút phẫu thuật với vết mổ rất nhỏ (như đầu chiếc tăm), gần như không để lại sẹo, những ngón tay co rút của bé H. đã có thể gập duỗi được bình thường như bao trẻ em khác, tình trạng đau cũng không còn và bé có thể trở về nhà ngay trong ngày”, bác sĩ Kiên thông tin.

Đây là trường hợp được phát hiện sớm nên kết quả điều trị rất tốt. Trước đó, cha mẹ của bé gái này phát hiện ngón tay số 4, 5 bên tay trái của con bị gập, co rút, không duỗi ra được, khi cố gắng nắn lại, ngón tay vẫn co lại như cũ, thậm chí bé đau, khóc..

ngon tay lo xo anh 1
Bệnh nhi Nguyễn Minh H. (29 tháng tuổi, sống tại Gia Lâm, Hà Nội) với chẩn đoán mắc ngón tay lò xo ngón 4,5 trái. Ảnh: T.N.

Ngón tay lò xo là tình trạng viêm bao gân gấp của các ngón tay gây hẹp bao gân. Do vậy, mỗi lần gấp hay duỗi ngón tay đối với bệnh nhân trở nên rất khó khăn, nhất là vào buổi sáng. Ở tình trạng bệnh nặng hơn, khi gập duỗi ngón tay, bệnh nhân cảm nhận được âm thanh “lụp cụp, lụp cụp” của các khớp ngón tay khi gập duỗi.

Theo bác sĩ Kiên, đa số trường hợp mắc ngón tay lò xo thường bị nhầm lẫn bệnh và đi khám không đúng chuyên khoa, chủ yếu dùng thuốc, tập vật lý trị liệu để điều trị đau thay vì phải phẫu thuật điều trị triệt để nguyên nhân gốc rễ của bệnh.

Chuyên gia cũng chia sẻ thêm bệnh lý này tuy không nguy hiểm nhưng sẽ hạn chế hoạt động của bàn tay, ảnh hưởng rất lớn đến công việc, chất lượng cuộc sống. Những biểu hiện thường thấy của bệnh này là đau ở nếp gấp xa của mặt lòng bàn tay, đau nhiều khi nắm các ngón tay lại, nhất là vào buổi sáng, nặng hơn sẽ thấy ngón tay kẹt lại khi nắm và không duỗi ra được, phải dùng tay khác kéo ra, có thể sờ thấy nốt chai ở ngay vị trí đau.

Bệnh nhân mắc ngón tay lò xo tuyệt đối không nên tự ý sử dụng thuốc trị viêm khớp, đắp các loại thuốc lá. Mọi cách điều trị không khoa học đều khiến tình trạng bệnh nặng hơn. Khi có các biểu hiện bệnh, bệnh nhân nên đi khám sớm và đúng chuyên khoa để được chẩn đoán và chọn phương pháp điều trị phù hợp.

Người đàn ông bị cứng hàm sau khi dằm tre đâm vào tay

Chủ quan vì vết thương nhỏ, bệnh nhân không thăm khám và điều trị sớm nên gặp phải biến chứng nguy hiểm.

Hà Quyên

Bạn có thể quan tâm