Ngày 26/8, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) cho biết, các bác sĩ đang lên kế hoạch để thực hiện ca phẫu thuật tách bướu ra khỏi cơ thể của bé Trần Thị Ngọc Thắm (10 tuổi, quê ở tỉnh Sóc Trăng).
Trước đó, bé được mẹ là chị Thạch Thị Đa Ni (34 tuổi) đưa đến bệnh viện trong tình trạng lưng nổi một cục bướu rất lớn màu đen như mai rùa.
Theo chẩn đoán của bác sĩ Đào Trung Hiếu, phó giám đốc bệnh viện, bệnh nhi mắc căn bệnh bướu hắc tố bẩm sinh (có tên khoa học là Congentinal melano citye Nevi) nhưng kích thước "khủng", chưa từng thấy tại Việt Nam.
Bác sĩ Hiếu đang đo kích thước chiếc "mai rùa" trên lưng bé. Ảnh: Khánh Trung. |
Ngoài ra, trên người bé còn có 200 nốt ruồi lớn nhỏ (gọi là bướu vệ tinh). Hiện tại bướu đang trong giai đoạn lành tính, nhưng nếu để quá lâu sẽ có nguy cơ chuyển sang ung thư.
Người nhà bệnh nhân cho biết, dù bị bệnh bẩm sinh nhưng đây mới là lần đầu tiên người mẹ đưa con đi bệnh viện chữa trị vì nhà nghèo. Khi quyết định đưa Thắm lên TP HCM điều trị người mẹ chỉ mang 600.000 đồng. Ngoài bé Thắm, chị còn có một con trai 12 tuổi bị bệnh ruột thừa đang điều trị ở quê.
Vì mang trên người chiếc "mai" lớn, bệnh nhi thường xuyên bị bạn bè trêu chọc là cô bé “mai rùa” nên đã nghỉ học.
Dự kiến trong thứ hai tuần tới, bệnh viện sẽ tiến hành phẫu thuật điều trị cho bé. Ê kíp điều trị gồm 2 nhóm: nghiên cứu tình trạng da và tách bướu ra khỏi cơ thể. “Nếu để quá trễ, người bệnh có khả năng mang chiếc “mai” suốt đời”, bác sĩ Hiếu cho biết.