Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trẻ em cũng bị bướu tuyến vú

Theo các BS khoa Giải phẫu bệnh, BV Ung Bướu TP HCM, các tổn thương tuyến vú ở trẻ hiếm gặp và thường lành tính. Nhưng phụ huynh cần có những thông tin nhất định để xử trí kịp thời

Bướu ở tuyến vú của trẻ nhỏ thường chia thành hai nhóm lớn: các bất thường bẩm sinh hoặc bất thường trong quá trình phát triển của tuyến vú, và các bướu vú, các tăng sản không phải bướu, viêm tuyến vú. Không kể đến do bất thường bẩm sinh hoặc bất thường trong quá trình phát triển, bệnh lý tuyến vú ở trẻ em rất đa dạng, gồm nhiều dạng giống người lớn và cả những dạng chỉ xuất hiện ở trẻ em và người trẻ.

Khoa Giải phẫu bệnh của BV Ung Bướu TP HCM trong gần 1,5 năm (1/2013-5/2014) đã ghi nhận 142 trường hợp bướu vú ở trẻ em gái dưới 16 tuổi, chiếm 1,4% trong hơn 10.000 trường hợp tổn thương tuyến vú.

Theo bác sĩ (BS) Âu Nguyệt Diệu, BV Ung Bướu TP HCM, đa số các tổn thương tạo thành khối ở tuyến vú trẻ em là lành tính, bao gồm tổn thương do bất thường trong quá trình phát triển của tuyến vú, do ảnh hưởng của nội tiết tố, do viêm nhiễm, do tăng sản hoặc do bướu vú. Tuy nhiên, việc điều trị phẫu thuật đối với các bệnh lý tuyến vú ở trẻ em cần phải cẩn thận bởi chấn thương trên mô tuyến vú chưa phát triển hoàn chỉnh, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của tuyến vú, gây mất cân đối hoặc không thể tiết sữa về sau.

Những tổn thương thường gặp ở người lớn là bướu sợi tuyến, bướu diệp thể, bướu nhú cũng có thể gặp ở trẻ em, nhưng tỷ lệ các tổn thương này rất khác biệt giữa các nhóm tuổi.

Bướu sợi tuyến thường gặp nhất, chiếm 48% các trường hợp bướu. Bướu sợi tuyến thường gặp ở phụ nữ trẻ, từ 30 tuổi trở xuống. Ở trẻ em, bướu này còn được gọi là bướu sợi tuyến tuổi trẻ, phát triển nhanh. Những bướu sợi tuyến lớn hơn 5cm thì gọi là bướu sợi tuyến tuổi trẻ khổng lồ. Bướu khổng lồ là bướu lành tính, không tái phát sau mổ lấy bướu. Trong khi đó, vài loại bướu sợi tuyến phức tạp có thể liên quan đến tăng nguy cơ ung thư vú tùy theo loại tổn thương đi kèm  trong bướu.

Viêm tuyến vú ở trẻ em hiếm gặp hơn ở người lớn, bao gồm viêm cấp tính, viêm hạt hoặc hoại tử mỡ. Viêm cấp tính gồm nhiều nguyên nhân: tắc ống tuyến vú, chấn thương, do kích thích ở núm vú, nhiễm trùng. Trong những trường hợp bướu vú ở trẻ em, các BS phát hiện những trường hợp viêm cấp tính áp xe hóa không rõ nguyên nhân và viêm kinh niên.

Bướu diệp thể (có hình cắt ngang giống chiếc lá, bên ngoài giống khối thịt, bên trong có nang hóa) là dạng bướu xuất hiện thậm chí từ khi bé gái mới 10 tuổi. Trong 142 ca bị bướu vú, có bốn ca bị bướu diệp thể lành   (chiếm 2,8%).

Ngoài ra, còn có các loại bướu và tổn thương tăng sản giống bướu như bướu mạch máu, tăng sinh mô đệm giả u mạch (PASH), mô thừa dạng bướu ở trẻ em. Trong đó PASH được ghi nhận ở trường hợp trẻ sau khi giải phẫu bệnh. PASH là tổn thương tăng sinh nguyên bào sợi cơ, có lẽ liên quan đến nội tiết tố nội sinh hoặc ngoại sinh. Ở trẻ em, PASH thường đi kèm với tăng sản tuyến vú. Sau khi cắt bỏ vú, các mô vú còn lại vẫn có thể nhạy cảm với nội tiết tố và tái phát tại chỗ, cho dù đã cắt hết bướu.

Một bệnh đáng lưu ý là bệnh nhú tuổi trẻ. Đây là tổn thương tăng sản lành tính, đặc trưng bởi hình ảnh tạo nhiều bọc, thường gặp ở người trẻ dưới 30 tuổi. Bướu thường nhỏ hơn 5cm, bề mặt có nhiều bọc nhỏ, ngăn cách nhau bởi vách xơ, tạo hình ảnh đặc trưng, nên còn được gọi là bệnh “phô mai Thụy Sĩ”. Ung thư tại chỗ hoặc xâm nhập có thể đi kèm với bệnh nhú tuổi trẻ, nhưng thường gặp ở bệnh nhân lớn tuổi hơn.

Đối với những trẻ có nhiều bướu, bướu tái phát, hoặc có tiền căn gia đình bị ung thư vú, gia đình cần có kế hoạch theo dõi, kiểm tra ngực cho các em hàng năm.

http://phunuonline.com.vn/suc-khoe/be-lon-tung-ngay/tre-em-cung-bi-buou-tuyen-vu/a137126.html

Theo Nga Thanh/Báo Phụ Nữ TP HCM

Bạn có thể quan tâm