Mẹ con chị chị L.N.N. khi điều trị tại bệnh viện. Ảnh: BVCC. |
Với tiền sử 2 lần bị tắc vòi trứng, chị L.N.N. (34 tuổi, Kenya, châu Phi) đã chọn phương pháp IVF để mang thai. Tuy nhiên, do cổ tử cung ngắn, thai phụ phải khâu cổ tử cung ở tuần 24 để giữ thai.
Khi thai được 26 tuần tuổi, chị có dấu hiệu chuyển dạ, phải nhập viện tỉnh để cấp cứu và sinh bé gái L.W.D. nặng 800 g.
Sau khi sinh, trẻ có tình trạng suy hô hấp, viêm ruột, nhiễm khuẩn sơ sinh nặng. Ngày 27/1, trẻ được chuyển tuyến lên Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục điều trị, chăm sóc.
Tại Trung tâm Sơ sinh, trẻ được thở máy, kiểm soát thân nhiệt, nhiễm trùng và chăm sóc đặc biệt. Bệnh nhi đã được nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch, kết hợp chăm sóc theo phương pháp ấp kangaroo.
Sau khi sinh non, mẹ bé vì quá lo lắng và căng thẳng nên mất sữa, không đủ sữa cho con. Trẻ đã được nuôi bằng sữa từ ngân hàng sữa mẹ của cơ sở y tế trên. Các bé sinh cực non phải đối mặt với nhiều nguy cơ nặng như viêm ruột hoại tử, nhiễm trùng... Việc sử dụng sữa mẹ thanh trùng khi sữa mẹ đẻ không đủ giúp giảm 19% nguy cơ nhiễm trùng ở nhóm trẻ dễ bị tổn thương này.
ThS.BS Nguyễn Thị Hoa, Trung tâm Sơ sinh, cho biết mỗi ca sinh non là một “cuộc chiến” với các bác sĩ và nhân viên y tế, bởi trẻ sinh non có nguy cơ đe dọa tính mạng ngay từ khi lọt lòng. May mắn, em bé đã vượt qua những khó khăn đầu đời, tăng cân, sức khỏe ổn định.
Sau 62 ngày điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương, bé gái L.W.D. nặng 1,6 kg và được xuất viện.
Muốn ăn uống lành mạnh nhưng hay stress công việc? Muốn tập thể dục đều đặn nhưng hay làm việc trễ? Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu một số sách để đồng hành cùng bạn từ phòng gym đến đường chạy, từ văn phòng đến bếp ăn. Tuyển tập này sẽ cung cấp thêm nhiều lựa chọn, và bớt đi một số nỗi lo trên hành trình cân bằng cuộc sống hiện đại.