Theo báo cáo đăng trên tạp chí y khoa Anh quốc BJM, các bác sĩ tại Đại học Y khoa Nam Carolina, Mỹ, cho biết tình trạng nhân đôi hiếm gặp Diprosopus khiến một em bé ở Mỹ có 2 cái miệng ngay từ khi sinh ra.
Bất thường này được phát hiện vào tuần thứ 28 của thai kỳ khi siêu âm, nhưng các bác sĩ chỉ nghĩ đó là một khối u hoặc u nang.
Bé gái có 2 miệng vì mắc tình trạng nhân đôi hiếm gặp. Ảnh: BMJ. |
Tuy nhiên, báo cáo cho biết khi chào đời, bé gái được phát hiện có khoang miệng thứ hai, có kích thước 1-2 cm. Các bác sĩ cũng phát hiện trong miệng thứ hai này có thêm răng và lưỡi nhỏ. Lưỡi thứ hai "được ghi nhận là di chuyển đồng thời với lưỡi chính khi trẻ bú". Bệnh nhi không có dấu hiệu suy hô hấp, có thể thở, ăn và uống bình thường.
"Ngoài ra, đôi khi trên vùng da xung quanh miệng thứ 2 này xuất hiện một lớp thô ráp, đồng thời, tiết ra một chất lỏng trong suốt nghi là nước bọt", báo cáo thông tin thêm.
Ngoài bất thường này, các bác sĩ không phát hiện thêm điểm khác biệt ở đầu và cổ của bé gái.
Bé gái hồi phục sau một thời gian phẫu thuật. Ảnh: BMJ. |
Đến khi được 6 tháng tuổi, bé gái được phẫu thuật để loại bỏ miệng thừa. Các bác sĩ đã loại bỏ một số cơ, xương, màng nhầy miệng và mô thực quản, một tuyến nước bọt và sáu chiếc răng chưa mọc, đồng thời, cố gắng duy trì các dây thần kinh trên khuôn mặt.
Sau một khoảng thời gian theo dõi, vết phẫu thuật đã lành, tiến triển tốt và không cần điều trị thêm. Tuy nhiên, bé gái gặp khó khăn khi thả lỏng phần bên phải của môi dưới, nguyên nhân có thể là một số dây thần kinh bị mất.
Theo tạp chí Science Alert, Diprosopus là sự trùng lặp cấu trúc đầu hoặc khuôn mặt. Đây là tình trạng rất hiếm gặp, chỉ có khoảng 35 trường hợp được ghi nhận ở người kể từ năm 1900. Tình trạng này xảy ra thường xuyên hơn ở nữ giới, hiện khoa học chưa tìm ra lời giải đáp.