Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bé gái tại Trung Quốc phát triển bất thường sau khi dùng kem dưỡng da

Kem dưỡng da trẻ em chứa lượng lớn hormone được cho là nguyên nhân khiến bé Michelin Man, 5 tháng tuổi ở Trung Quốc nặng gần 11 kg, cơ thể biến dạng.

Mới đây, công ty sản xuất và phân phối kem dưỡng da trẻ em Yifuling đã bị cáo buộc sử dụng trái phép hormone khiến một bé gái 5 tháng tuổi phát triển quá nhanh. Các bác sĩ chẩn đoán lo ngại em phải đối mặt hàng loạt vấn đề sức khỏe nguy hiểm.

Suy dinh dưỡng nhưng cân nặng bất thường

Sau thời gian sử dụng kem dưỡng da trẻ em Yifuling với lời quảng cáo có công dụng chống vi khuẩn, cha mẹ của Michelin Man (biệt danh), ở Liên Vân Cảng, Giang Tô, Trung Quốc, hoảng hốt khi thấy con gái tăng cân chóng mặt. Hai má cô bé bầu bĩnh đến mức kéo xệ má xuống quai hàm. Trán của Michelin Man nhô ra bất thường, tóc mọc rậm dù mới 5 tháng tuổi.

Đặc biệt, cô bé đã nặng gần 11 kg. Theo chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thông thường, trẻ 5 tháng tuổi sẽ có cân nặng trung bình từ 5,8 đến 7,2 kg với bé gái và 6,3 đến 8,2 kg với bé trai. Với con số khuyến cáo, Michelin Man nặng gần gấp đôi so với mức trung bình.

Cân nặng vượt quá mức bình thường nhưng bé gái 5 tháng tuổi có một số dấu hiệu của chậm phát triển và suy dinh dưỡng. Lo sợ con gái bị dị ứng sữa mẹ, gia đình đã đưa em đến xét nghiệm nhưng các bác sĩ không phát hiện điểm bất thường.

Tuy nhiên, 4 em bé khác cũng được đưa đến khám với triệu chứng tương tự. Điều này khiến y tá tại bệnh viện lên tiếng cảnh báo về loại kem dưỡng da trẻ em chứa hormone bất thường.

Chia sẻ với CCTV, mẹ của Michelin Man tiết lộ y tá đã hỏi họ có cho con dùng kem dưỡng da chống khuẩn đa năng Yifuling hay không. Đây là sản phẩm do Fujian Ouai Ying Tong Healthcare Products Company Ltd., có trụ sở tại Chương Châu, Trung Quốc, sản xuất.

Bien dang mat sau khi dung kem duong anh 1

Hình ảnh của bé Michelin Man sau khi dùng kem dưỡng da trẻ em Yifuling. Ảnh: Global Times.

80 trường hợp báo cáo tương tự

Tuyệt vọng vì nhà sản xuất gây sức ép, cha mẹ của Michelin đã tìm đến Daddy Lab - nhóm đánh giá các sản phẩm trên mạng. Nhóm khẳng định họ phát hiện các sản phẩm trong kem dưỡng da Yifuling có chứa hormone Clobetasol Propionate vượt quá mức cho phép. Đây là loại corticosteroid được sử dụng để điều trị các tình trạng da như chàm, viêm da tiếp xúc, viêm da tiết bã và bệnh vẩy nến.

Tiết lộ với Global Times, đại diện Daddy Lab cho hay khi đăng tải đoạn video điều tra và phân tích lên mạng, họ nhận được nhiều báo cáo tương tự về kem dưỡng này. Cụ thể, 80 trẻ sơ sinh bị tác dụng phụ, trong đó, 10 bé gặp triệu chứng nghiêm trọng.

Theo bác sĩ da liễu họ Zhang ở Bệnh viện tỉnh Phúc Kiến, "Clobetasol Propionate là thuốc cần sử dụng theo đơn của bác sĩ. Nếu sử dụng lâu dài trên các vùng da rộng, nó có thể dẫn đến hội chứng Cushing với các tác dụng phụ như mọc tóc, mụn trứng cá và huyết áp cao", Global Times dẫn lời.

Thậm chí, theo bác sĩ Ai Si, chuyên gia nhi khoa từ Bệnh viện Nhân dân tỉnh Phúc Kiến, cho biết việc thêm hormone vào kem dưỡng da cho trẻ em đã bị cấm ở Trung Quốc. “Clobetasol propionate là loại corticosteroid rất mạnh với nhiều tác dụng phụ nặng. Nếu sử dụng lâu dài và liều cao có thể ảnh hưởng sự phát triển của trẻ", vị bác sĩ này trả lời hãng thông tấn Xinhua.

Bien dang mat sau khi dung kem duong anh 2

Kem dưỡng da trẻ em Yifuling bị tố chứa hormone gây tình trạng biến dạng mặt, tăng cân bất thường ở trẻ. Ảnh: CCTV.

Tin tức về Michelin Man đã gây nên làn sóng lo ngại tại Trung Quốc. Ủy ban Y tế Liên Vân Cảng đã vào cuộc điều tra sau những cáo buộc về kem dưỡng da Yifuling. Hiện tại, đơn vị sản xuất bị đình chỉ kinh doanh. 129 tuýp kem dưỡng da mang nhãn hiệu Yifuling và Happy Forest đã bị thu hồi.

Tuy nhiên, con số này chiếm rất nhỏ trong 12.000 tuýp kem mà công ty đã phân phối ra thị trường Liên Vân Cảnh và Túc Thiên, Giang Tô.

Hu Yonglin, người phát ngôn của Fujian Ouai Ying Tong Healthcare Products Company Ltd., trả lời phỏng vấn của Xinhua: "Các gia đình đã sử dụng những loại kem dưỡng khác trước khi dùng Yifuling. Có thể các sản phẩm khác đã dẫn đến vấn đề của con họ. Việc có quá nhiều hormone hay không phụ thuộc vào kết quả xét nghiệm từ tổ chức có thẩm quyền".

Theo cổng thông tin The Cover, năm 2019, trên tài khoản WeChat của mình, nhà sản xuất công bố báo cáo thử nghiệm cho thấy sản phẩm không chứa hormone. Chính vì thế, nhiều người nghi ngờ chất lượng của hệ thống kiểm định mà công ty đã sử dụng.

Đây không phải lần đầu tiên trẻ em tại Trung Quốc gặp rủi ro bởi các sản phẩm kém chất lượng. Năm 2008, sữa nhiễm độc của tập đoàn Sanlu đã khiến ít nhất 6 trẻ sơ sinh tử vong và 300.000 trường hợp khác bị ảnh hưởng. Theo Inkstone, các loại sữa bột trẻ em bị phát hiện có hợp chất công nghiệp độc hại melamine. Melamine trong sữa có tác dụng tăng hàm lượng nito, khiến nó có lượng đạm cao theo quy định đã đề ra.

Năm 2019, giới chức Hồ Nam cũng vào cuộc điều tra vụ một phụ huynh phản ánh trường hợp trẻ còi xương sau khi uống sữa công thức siêu đặc biệt. Thực chất, đây chỉ là loại nước giải khát có hàm lượng protein cao. Cửa hàng bán sản phẩm này đã bị phạt 2 triệu nhân dân tệ (khoảng 309.000 USD).

Lần đầu ghi nhận trẻ sơ sinh mắc ung thư do di truyền tế bào từ mẹ

Nhóm nghiên cứu đặt giả thuyết 2 bệnh nhi mắc ung thư do hít phải nước ối có lẫn tế bào ác tính từ mẹ.

Thiên Nhan

Bạn có thể quan tâm