Tối ngày 7/9, người dân Thượng Hải phát hiện một bé gái đi lang thang trên đường. Nghi ngờ bé gái bị lạc, người này đã liên hệ với cảnh sát địa phương, thông báo vụ việc, theo Sina.
Khi đến hiện trường, cảnh sát phát hiện bé gái bị kích động, không chịu phối hợp khi được hỏi thăm. Sau hơn 10 phút thuyết phục, em chịu nói tên tuổi và lý do đi lang thang vào lúc tối muộn.
Nữu Nữu, 7 tuổi, tâm sự em bị cha mẹ mắng và luôn tỏ ra không vui khi em làm bài tập sai. Thậm chí, mẹ Nữu Nữu thường xuyên đánh đập, khiến em bức xúc và muốn bay về quê nội ở Thiểm Tây. Tối hôm đó, nhân lúc người lớn không để ý, Nữu Nữu bỏ nhà đi.
Với sự giúp đỡ của cảnh sát, Nữu Nữu được bố mẹ đón về nhà an toàn.
Ông Lăng Chí Thành, cảnh sát Thượng Hải, nhận định nhiều học sinh chưa thích nghi với môi trường học tập mới nên có thể xao nhãng trong việc học. Sau 3 tháng nghỉ hè, các em chưa quen với việc đi học liên tục.
“Các bậc phụ huynh cần dạy con khéo léo để tránh những trường hợp tương tự xảy ra”, ông Thành khuyên.
Những lời chỉ trích của cha mẹ có thể gây phản tác dụng. Ảnh: Sina. |
Trẻ tổn thương khi bị chỉ trích
Trong chương trình Cô giáo xin hãy trả lời, em Trâu Kiêu, học sinh lớp 2 tâm sự, mỗi lần cùng mẹ làm bài tập, em luôn bị mẹ mắng.
Mẹ Trâu Kiêu mắng em vì em tra từ điển chậm, dạy đi dạy lại một vấn đề nhưng em không hiểu. Thậm chí, khi viết sai, thiếu dấu chấm câu, em cũng bị mẹ mắng.
Thành tích của Trâu Kiêu không cao. Vì thế, mẹ yêu cầu nam sinh học tập chăm chỉ, chuẩn bị cho kỳ thi nhưng kết quả ngày càng kém đi.
Người mẹ không tìm ra phương pháp giúp con học tốt hơn, mãi luẩn quẩn trong việc chỉ trích, xúc phạm, đánh đập con.
Điều đó khiến Trâu Kiêu sợ hãi, thu mình lại mỗi khi học bài. “Đôi khi nghĩ đến gương mặt của mẹ, cháu lại thấy sợ”, nam sinh tâm sự.
Ông Haim Ginott, nhà tâm lý học trẻ em người Mỹ, cho biết những lời phê bình, chỉ trích của cha mẹ không giúp các em sửa sai, khiến các em chán nản hơn trong học tập. Đồng thời, trẻ dễ mất đi lòng tự trọng, sự tự tin khi bị mắng quá nhiều.
Cha mẹ càng chỉ trích, con cái càng kém đi. Cha mẹ càng mất kiểm soát, trẻ càng dễ suy sụp.
“Nhiều trường hợp cha mẹ không nhận ra rằng, dưới sự chỉ trích liên tục, trẻ không thể phát triển theo chiều hướng cha mẹ mong muốn, đôi khi còn gây phản tác dụng”, ông Haim Ginott nói.
Việc cha mẹ trách mắng con trẻ không mang lại hiệu quả vì những lời này thường chứa đựng sự tức giận. Lời chỉ trích thông thường có thể biến thành buộc tội, khiến trẻ sợ hãi khi đối mặt.
Bên cạnh đó, trẻ thấy mình kém cỏi, thất bại trong học tập. Các em xấu hố vì mình không giỏi như cha mẹ mong đợi.
Trẻ không chuyên tâm học tập hoặc khuất phục trước uy quyền của cha mẹ. Thay vào đó, các em có xu hướng chống đối, chỉ trích ngược cha mẹ mình.
Nếu điều này vẫn tiếp diễn, gánh nặng tâm lý của trẻ càng nặng nề, việc học sẽ trở nên khó khăn hơn.
Cha mẹ cần giúp đỡ, đồng hành, thay vì phủ nhận, chỉ trích trẻ. Ảnh: Dayday News. |
Cha mẹ nên làm gì?
Điều đứa trẻ cần là sự giúp đỡ, đồng hành, thay vì phủ nhận, chỉ trích. Trước sự nổi loạn và thất vọng của trẻ, cha mẹ cần tự điều chỉnh cảm xúc của bản thân và giúp trẻ thoát khỏi khó khăn hiện tại.
Thứ nhất, cha mẹ cần chấp nhận tốc độ học tập của trẻ. Mọi đứa trẻ cần có thời gian học hỏi, trưởng thành. Việc học cũng vậy, trẻ cần thời gian tích lũy kiến thức.
Khả năng tiếp thu kiến thức của mỗi trẻ khác nhau, vì thế, mức độ thành thạo, làm chủ việc học của các em cũng khác nhau.
Phụ huynh nên chấp nhận tốc độ phát triển của con, đồng thời kiên nhẫn chờ đợi, cho phép trẻ phạm sai lầm.
Khi hướng dẫn trẻ học, cha mẹ nhẹ nhàng chỉ ra những thiếu sót của trẻ, trẻ sẽ biết cách tự sửa lỗi, bù đắp lại kiến thức còn thiếu và trưởng thành hơn.
Thứ hai, trẻ cần được khuyến khích thay vì chỉ trích. Những lời khích lệ có thể giúp các em cảm thấy bản thân có giá trị, tự tin và làm được nhiều điều có ích hơn.
Trong chương trình tạp kỹ Bàn học nhỏ yêu quý, cách dạy con của nhà văn Phó Thủ Nhĩ được nhiều người đánh giá cao.
Đối với con trai Khải Khải, một cậu bé thiếu tự tin, nữ nhà văn động viên con làm bài tập bằng cách khen con thông minh: “Con có biết vì sao mẹ hay cho con làm nhiều bài tập không? Vì con rất thông minh, con làm bài tập dễ như ăn bánh vậy”.
Đối với con gái Hy Hy, một cô bé dễ chán nản khi học bài, cô sẽ tìm ra điểm mạnh của con và kích thích sự tự tin của bé.
Nhờ cách động viên hiệu quả của mẹ, hai đứa trẻ trở nên vui vẻ, có tinh thần học tập và tích cực hoàn thành bài tập được giao.
Vì vậy, các phụ huynh nên dành nhiều lời động viên cho trẻ. Khi phát hiện lỗi sai của con, cha mẹ nên nêu ưu điểm và tiếp thêm sức mạnh để trẻ có động lực sửa chữa.
Thứ ba, trẻ cần được giải tỏa cảm xúc. Sau một ngày dài làm việc, học tập, cha mẹ và trẻ không tránh khỏi sự mệt mỏi về thể chất và tinh thần. Trong thời điểm đó, cả hai dễ nổi nóng, khó kiểm soát hành vi và lời nói.
Cha mẹ cần học cách quản lý cảm xúc của bản thân và con trẻ. Ví dụ, sau giờ học, cha mẹ hãy cho phép trẻ nghe nhạc, đi dạo hoặc nói chuyện với bạn bè.
Bên cạnh đó, phụ huynh cần tăng thời gian tương tác với trẻ, cùng con tâm sự những chuyện đã trải qua trong một ngày đi học. Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái càng gần gũi, trẻ sẽ càng tự tin, việc giao tiếp cũng thuận lợi hơn.
Khi cảm xúc tiêu cực được trút bỏ, tình trạng “giận cá chém thớt” sẽ không còn nữa.
Học hành là việc cả đời, cha mẹ không nên biến việc này trở thành gánh nặng của trẻ, càng không nên chỉ trích, làm trẻ tổn thương.
Mỗi đứa trẻ giống như một hạt giống, môi trường sống khắc nghiệt sẽ khiến trẻ tồn tại với những vết sẹo không bao giờ lành.