Dưới đây là chia sẻ của chị Vân Anh (30 tuổi, Hà Nội) về quá trình giúp con khỏi bệnh cùng Zing.vn:
Trong khoảng một tuần, con trai 2 tháng tuổi của tôi đi ngoài tới 10 lần một ngày. Phân của bé nhầy, màu nâu và mùi khó chịu nhưng vì con không sốt, không quấy khóc và chỉ bú mẹ nên tôi nghĩ bé đang thải khuẩn.
Đến khi phân của bé có màu, mùi tanh nồng, tôi đưa bé đi khám, soi và cấy phân thì kết quả có khuẩn lỵ (do vi khuẩn Shigella). Kết quả khiến không chỉ tôi mà các bác sĩ khá bất ngờ. Sau khi làm kháng sinh đồ cho bé, bác sĩ tại khoa Nhi, Bệnh viện Việt Pháp (Hà Nội), kê kháng sinh để điều trị cho bé.
Bé Lê Minh Triết - con trai của chị Vân Anh. Ảnh: NVCC |
Nhận đơn thuốc, tôi có hỏi thêm hai bác sĩ khác thì nhận được tư vấn với bệnh lỵ phải dùng kháng sinh tuy nhiên có thể trì hoãn một vài ngày theo dõi tình trạng của bé.
Sau khi cân nhắc, tôi quyết định theo dõi thêm cho bé. Trong quá trình đó, tình trạng bé có thay đổi tích cực. Số lần bé đi ngoài trong ngày ít dần, giờ giấc cố định dần. Tới ngày thứ 15, phân đã chuyển hoa cà hoa cải dù vẫn có mùi khó chịu.
Đến ngày thứ 17, phân bé lại có dấu hiệu xấu. Tôi rất lo lắng nhưng thấy con không hề quấy khóc, tinh thần tốt nên tôi vẫn kiên trì không dùng kháng sinh. Đến ngày 20, bé đi ngoài bình thường chỉ mỗi lần một ngày.
Sau đó, bé lây sốt từ chị nên phân xấu trở lại giống như bị lỵ. Tôi đưa con đi khám và cấy phân. Kết luận tạm thời bé sốt do vi rút nên không phải dùng thuốc tuy nhiên nếu bé sốt cao 3 ngày không đỡ thì phải đưa trở lại viện.
Trong đêm đó, bé sốt hơn 39 độ và quấy khóc suốt đêm. Gia đình tôi chườm ấm, đắp chanh liên tục, một ngày sau bé cắt sốt.
Khi nhận kết quả xét nghiệm của con, gia đình tôi rất vui mừng vì bé đã tự đề kháng, tự thải khuẩn và phục hồi chỉ bằng bài thuốc duy nhất là bú mẹ.
Tuy vậy, sữa mẹ không phải là thuốc tiên. Mỗi bé có biểu hiện lâm sàng và sức đề kháng khác nhau. Các mẹ cần căn cứ vào tình trạng cụ thể của con cùng với các xét nghiệm và lời khuyên từ chuyên gia để lựa chọn phác đồ điều trị bệnh hợp lý.