Ngay sau khi hoàn thành chương trình tiến sĩ về giáo dục “Learning and Instruction” tại Đại học Tổng hợp Szeged (Hungary), thầy Nguyễn Văn Sơn - giảng viên chuyên ngành Ngôn ngữ Anh của Đại học Thủy lợi – đã ứng tuyển học bổng toàn phần chương trình Chứng chỉ Năng lực Toàn cầu (New Zealand Global Competence Certificate - NZGCC) do Cơ quan Giáo dục New Zealand (Education New Zealand - ENZ) triển khai tại Việt Nam.
Trên cương vị một người trẻ làm giáo dục, cô Nguyễn Thị Giang - giáo viên THPT chuyên Bắc Ninh - cũng luôn tâm niệm phải liên tục trau dồi về chuyên môn, trở thành tấm gương sáng để học trò có thể phát huy tối đa năng lực của bản thân, bước ra khỏi vòng an toàn để trở thành những công dân toàn cầu trong tương lai.
Thầy Sơn và cô Giang là 2 trong số 25 người đầu tiên thành công ứng tuyển học bổng toàn phần NZGCC. Họ là những đại diện tiêu biểu cho thế hệ giảng viên 4.0 của Việt Nam trong xã hội toàn cầu hóa.
Tinh thần học hỏi xuyên biên giới
Trong bối cảnh công nghệ kỹ thuật phát triển ngày càng mạnh mẽ, nền giáo dục buộc phải có sự thay đổi để phù hợp với một xã hội kết nối hơn, nơi người học được kỳ vọng sẽ trở thành các công dân toàn cầu, cùng chung tay giải quyết những vấn đề cấp bách của thế giới.
Nền giáo dục thế giới thay đổi nhằm kiến tạo nên thế hệ công dân toàn cầu. |
Đó là lý do, Liên Hợp Quốc đặt mục tiêu hướng đến năm 2030, mọi người đều được trang bị các kiến thức, kỹ năng cần thiết để thúc đẩy sự phát triển và lối sống bền vững, trong đó bao gồm đào tạo thế hệ công dân toàn cầu, bên cạnh những yếu tố như tôn trọng hòa bình, nhân quyền, bình đẳng giới, sự đa dạng văn hóa… Trên hành trình kiến tạo thế hệ công dân toàn cầu tương lai đó, giáo viên, giảng viên đóng vai trò đặc biệt quan trọng.
“Trên cương vị một giáo viên ngôn ngữ, tôi luôn muốn sinh viên của mình trở thành những người có kỹ năng mềm thật tốt để có thể thích ứng, hội nhập và hoà nhập, thay vì chỉ học kiến thức khô khan”, thầy Sơn chia sẻ.
Đại diện cho thế hệ giảng viên 4.0, thầy Sơn mong muốn tích hợp những kỹ năng mềm vào chương trình giảng dạy, song lại gặp không ít rào cản. “Đâu là kỹ năng phù hợp?”, “Thích nghi ra sao trong bối cảnh phải học trực tuyến vì dịch Covid-19?”, “Làm thế nào để thu hẹp khoảng cách thế hệ giữa thầy và trò?”… hàng loạt câu hỏi hiện lên trong đầu buộc người giảng viên tìm ra lời giải.
Trăn trở kể trên cùng tinh thần không ngừng học hỏi, mong muốn cập nhật kiến thức giảng dạy mới, đồng thời giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm cùng các đồng nghiệp quốc tế đã thôi thúc thầy Sơn ứng tuyển chương trình NZGCC của ENZ.
New Zealand có nền giáo dục phát triển hàng đầu thế giới. |
Cũng như thầy Sơn, sau khi kết thúc khóa học, cô Giang đã có những trải nghiệm ý nghĩa, tích lũy nhiều kiến thức và kinh nghiệm quý giá để phục vụ công tác giảng dạy. Cô giáo 9x cho biết: “Điều khiến tôi ấn tượng là nội dung bổ ích, được truyền đạt bởi các thầy cô uyên bác và tâm huyết. Đặc biệt nhất phải kể đến sự kết nối giữa các giáo viên, giảng viên từ nhiều quốc gia. Tại đây, chúng tôi có thể chia sẻ mọi thứ với cùng một mong muốn - giúp học sinh tiến bộ và trở thành những công dân tốt”.
Nền giáo dục, phương pháp dạy học, môi trường đào tạo và hệ thống cơ sở vật chất ở mỗi quốc gia là khác nhau. Tuy nhiên, chính điều đó đã thúc đẩy những giảng viên cùng giao lưu, chia sẻ, với tinh thần học hỏi xuyên biên giới.
Cô Nguyễn Thị Giang và thầy Nguyễn Văn Sơn đã cùng nhiều đồng nghiệp tham gia chia sẻ kinh nghiệm trong buổi tương tác trực tuyến khóa NZGCC 2021. |
NZGCC kết nối giáo dục toàn cầu
Chương trình NZGCC là sáng kiến được ENZ tiên phong triển khai tại Việt Nam từ năm 2020, nhằm trang bị cho những người làm công tác giáo dục các kỹ năng cần thiết để học tập và làm việc trong thế giới toàn cầu hóa, đồng thời tăng cường cơ hội giao lưu, hợp tác, chia sẻ với đồng nghiệp đến từ nhiều quốc gia trong khu vực. Từ đây, các thầy cô giáo có thể định hướng và hỗ trợ hiệu quả cho học sinh trên hành trình trở thành công dân toàn cầu. Tính đến nay, đã có 161 người học tại Việt Nam hoàn thành chứng chỉ NZGCC, trong đó gồm 60 giáo viên đến từ 9 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Năm nay, ENZ công bố sẽ tiếp tục cấp 30 suất học bổng toàn phần chương trình NZGCC dành cho đối tượng giáo viên, giảng viên trên toàn quốc. Những cá nhân trúng tuyển sẽ có cơ hội học tập và giao lưu với các đồng nghiệp đến từ Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, dưới sự hướng dẫn của các giảng viên Đại học Massey (New Zealand).
ENZ đang mở đơn đăng ký cho 30 suất học bổng toàn phần chương trình NZGCC 2022. |
Khóa học NZGCC được xây dựng trên nền tảng trực tuyến của AFS (AFS Intercultural Programs), một tổ chức phi lợi nhuận trao đổi đa văn hóa uy tín và nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo năng lực toàn cầu.
Theo đó, khóa học được thiết kế thành 20 mô-đun bài giảng, bao gồm các chủ đề như “Khuôn mẫu và Khái quát hóa” (Stereotypes & Generalizations); “Thấu cảm và Lắng nghe chủ động” (Empathy & Active Listening), “Giá trị văn hóa” (Cultural Values) và “Giảng dạy các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc” (Teaching the SDGs).
Mô-đun học thường xuyên được cập nhật nhằm đảm bảo tính kịp thời và thực tiễn cao với các vấn đề xã hội. Toàn bộ nội dung khóa học được giảng dạy bằng tiếng Anh, cung cấp nhiều không gian tương tác trên nền tảng trực tuyến, để các giáo viên trên toàn thế giới có thể cùng chia sẻ kinh nghiệm và góc nhìn.
Cô Giang và thầy Sơn tham gia lễ tốt nghiệp NZGCC 2021 trực tuyến cùng các giáo viên đến từ Việt Nam, Thái Lan, Nhật Bản và New Zealand. |
Ông Ben Burrowes - Giám đốc khu vực châu Á của ENZ - cho biết: “Giáo viên đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo thế hệ trẻ - những kiến trúc sư kiến tạo tương lai thế giới. Tuy nhiên, cách tiếp cận giáo dục ngày nay đã thay đổi và học sinh cần nhiều sự hỗ trợ hơn. Chúng tôi tin chương trình NZGCC có thể cung cấp các công cụ đắc lực để nâng cao năng lực toàn cầu cho giáo viên Việt Nam. Từ đó, họ có thể ứng dụng vào thực tế giảng dạy, truyền cảm hứng và bồi dưỡng các kỹ năng quan trọng như tư duy phản biện, cởi mở và giao tiếp trong môi trường đa văn hóa cho học sinh. Đây cũng là những giá trị giáo dục New Zealand luôn mong muốn mang đến người học.”
Từ nay đến hết 21/8, các giáo viên, giảng viên đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam có trình độ tiếng Anh tương đương IELTS 6.0 trở lên, có thể nộp hồ sơ ứng tuyển học bổng toàn phần bằng cách điền đơn đăng ký tại đây và nộp một video ngắn trả lời 3 câu hỏi của hội đồng tuyển chọn.
Khóa học kéo dài 5 tuần, diễn ra dưới hình thức trực tuyến. Bên cạnh các học liệu, bài giảng, bài tập, học viên sẽ có 5 buổi tương tác trực tiếp trên Zoom cùng giảng viên hướng dẫn và giáo viên đến từ Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia để trao đổi, thảo luận sâu hơn nội dung bài dưới góc nhìn thực tế.
Ứng viên trúng tuyển cần đảm bảo hoàn thành chương trình học trong thời gian quy định, gồm 5 buổi học bắt buộc trên Zoom. Lịch trình các buổi học chung được chia theo 2 khung thời gian:
- Nhóm 1: Từ 13h đến 14h30 thứ ba hàng tuần (18/10-8/11).
- Nhóm 2: Từ 13h đến 14h30 thứ tư hàng tuần (19/10-9/11).