Bé gái một ngày tuổi sinh non 36 tuần, nặng 3,4 kg chào đời tại Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) trong tình trạng bụng trướng căng, suy hô hấp. Bé được đặt nội khí quản và chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2. Trước đó, qua khám tiền sản, trẻ được phát hiện có khối u vùng bụng với nhiều thành phần chưa rõ bản chất, tăng nhanh về kích thước.
Khối u quá to khiến bé rơi vào tình trạng suy hô hấp. Tiến sĩ Trương Đình Khải, Trưởng khoa Phẫu thuật ung bướu, Bệnh viện Nhi đồng 2, chỉ định cho bé mổ cấp cứu.
Bé gái sơ sinh mang khối u gần giống thai nhi trong bụng. Ảnh: Thúy Nguyễn. |
Trong lúc phẫu thuật, các bác sĩ ghi nhận khối u có dạng bào thai. Túi chứa dịch nằm cạnh khối này tương tự túi ối, cùng với nhiều cấu trúc như xương vai, xương ống, xương cột sống không hoàn chỉnh, tuy nhiên, hình dạng các chi trưởng thành khá rõ.
Sau hơn một giờ phẫu thuật, các bác sĩ loại bỏ thành công khối u trong bụng bé sơ sinh. Tình trạng hô hấp của bé được cải thiện rõ rệt.
Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thanh Trúc, hiện bé sơ sinh khỏe mạnh và đã xuất viện. "Bệnh nhi cần được theo dõi sát như một trường hợp u quái mặc dù trẻ được chẩn đoán sau phẫu thuật là thai trong thai do nguy cơ hóa ác sau này nếu có sự nhầm lẫn về mô học", bác sĩ Trúc nhận định.
Các bác sĩ cho biết thai trong thai thực chất là những cặp song sinh cùng trứng. Tuy nhiên, vì một nguyên nhân nào đó mà trong quá trình phát triển xảy ra tình trạng phôi này trùm lên phôi kia.
Do vậy, em bé khi sinh ra có sẵn một bào thai nằm trong bụng. Y khoa gọi là hiện tượng song sinh phát triển không hoàn chỉnh. Số trường hợp được ghi nhận rất hiếm với tỷ lệ gặp là 1/500.000 trẻ.
Siêu âm là phương tiện đầu tiên giúp chẩn đoán dị tật, bệnh lý bẩm sinh của trẻ. Với hiện tượng thai trong thai, điều trị phẫu thuật vẫn là lựa chọn tối ưu.
Sau mổ, bệnh nhân cần được theo dõi bởi các bác sĩ ngoại nhi. Thời gian theo dõi ít nhất là 3 năm để tránh bỏ sót bệnh lý ác tính nếu có sự sai sót về mặt mô học.