Tối 2/9, các bác sĩ khoa Sản 2, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ, đã mổ đẻ thành công cho sản phụ M.T.T. (trú tại Việt Trì, Phú Thọ). Đáng chú ý, bé sơ sinh khi chào đời đã nặng tới 5,7 kg.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Tiến Công, Trưởng khoa Sản 2, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ, cho biết với những thai nhi lớn, nguy cơ người mẹ mắc đái tháo đường thai kỳ rất cao.
Bé trai sơ sinh nặng 5,7 kg. Ảnh: BVCC. |
Ngoài ra, em bé có thể gặp các vấn đề về suy hô hấp và hạ đường huyết sau sinh. Do đó trẻ cần được các bác sĩ chuyên khoa Nhi theo dõi sát sao các chỉ số phát triển, nhất là bệnh lý về rối loạn chuyển hóa.
Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra những tư vấn về dinh dưỡng, cách chăm sóc trẻ hợp lý để không ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.
Đồng thời, các bác sĩ cũng theo dõi sự co hồi tử cung của người mẹ, đề phòng chảy máu âm đạo.
Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trẻ sơ sinh đủ tháng có trọng lượng cơ thể từ 2,5 kg-4 kg. Trường hợp bé sơ sinh cân nặng gần 6 kg được xem là hiếm gặp ở Việt Nam.
Các bác sĩ khuyến cáo đối với trường hợp người mẹ có cân nặng vượt mức trung bình, con sinh ra quá to, cần kiểm tra đường huyết và bù đường huyết cho trẻ sau sinh.
Kỷ lục bé sơ sinh nặng nhất Việt Nam đang thuộc về bé Trần Tiến Quốc (sinh năm 2017), tại tỉnh Vĩnh Phúc. Bé Quốc nặng 7,1 kg khi chào đời.