Mới đây, chuyên viên tâm lý Phùng Thị Lụa, khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), cho biết các chuyên viên tâm lý vừa tiếp nhận tư vấn, điều trị cho trường hợp bé trai 4 tuổi, ngụ tại TP.HCM, có hành vi bất thường sau khi xem các video trên YouTube.
Gia đình bệnh nhi cho biết khoảng hai tháng gần đây, bé trai liên tục nhìn trộm mẹ và bà lúc tắm. Trước khi ngủ hoặc khi gần mẹ, bé có nhiều hành động thân mật, gần gũi như ôm, hôn khác thường, không giống như những cử chỉ của trẻ nhỏ. Thấy con ngày càng có nhiều dấu hiệu bất thường, mẹ bé quyết định đưa con đi khám tâm lý.
Bé trai có hành vi bất thường do học theo các video trên YouTube. Ảnh minh họa: Newscientist. |
Sau khi trò chuyện và được chuyên viên tâm lý hỏi những hành động trên bé thấy ở đâu, bé trai hồn nhiên trả lời đã xem trên YouTube.
Theo lời bé trai, khi đang xem hết một video hoạt hình trên YouTube, một video khác tiếp tục hiện lên. Trong đó là hình ảnh hai người mặc quần áo của nhân vật hoạt hình người Nhện và công chúa Elsa ôm ấp, gần gũi nhau. Bé nhìn thấy nên đã bắt chước làm theo.
Sau khi biết được nguyên nhân, mẹ bé hết sức bất ngờ vì trước đây không kiểm soát được các nội dung mà bé đã xem.
Một video có hình ảnh thân mật của nhân vật mặc trang phục của Công chúa Elsa và Người Nhện. |
Theo chuyên viên tâm lý Phùng Thị Lụa, đây là thói quen không tốt do cha mẹ không kiểm soát được các nội dung mà trẻ đang xem. Trường hợp bệnh nhi này phải được điều trị tâm lý để chấm dứt những hành vi bất thường, cai nghiện điện thoại.
Trẻ ngồi lâu để xem điện thoại có thể ảnh hưởng đến mắt, hệ xương. Nghiện điện thoại có thể khiến bé trở nên lười vận động, lười giao tiếp và không muốn tham gia các hoạt động xã hội.
Nguy hiểm hơn, khi trẻ nhỏ đang hình thành các hành vi nhận thức, việc nghiện xem YouTube, điện thoại có thể khiến việc học hành sa sút, kém chú ý, ảnh hưởng hệ thần kinh.
Xem các video có nội dung khiêu dâm, không lành mạnh, bạo lực, không có tư chất giáo dục,… có thể khiến trẻ tò mò, học theo rất nhanh và dẫn đến nhiều hệ lụy nguy hiểm.