Xem các video với nội dung hài hước, màu sắc trên YouTube là sở thích của không ít trẻ em và cũng là cách nhiều phụ huynh lựa chọn cho con giải trí. Tuy nhiên, nhiều chương trình, trò chơi có hành vi bạo lực trên YouTube đang khiến nhiều trẻ bắt chước, gây ra những tổn thương cho chính cơ thể mình.
Theo các chuyên gia, đây cũng là nguyên nhân sâu xa gây nhiều vụ tự tử, học làm theo các trò mạo hiểm và tâm lý bạo lực của trẻ nhỏ.
Học cách thắt cổ nhưng vẫn thở được
Trao đổi với Zing.vn ngày 29/11, ThS.BS Huỳnh Minh Thu, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), cho biết mới đây, đơn vị này có tiếp nhận trường hợp một bé trai, nhập viện sau khi xem trò chơi bạo lực trên YouTube.
Người nhà bệnh nhi cho biết gia đình phát hiện bé treo cổ bằng chính chiếc khăn quàng đỏ. Lúc người nhà phát hiện, bé đang thắt cổ, hai chân bé đã cách mặt đất một đoạn khá xa, người tím ngắt, ngất lịm. Gia đình tức tốc đưa bé đến bệnh viện cấp cứu.
Bé trai tự thắt cổ do học theo hành vi trong video xem trên YouTube. Ảnh minh họa: Dejournal. |
Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, bé trai được làm các xét nghiệm cần thiết và đặt nội khí quản hỗ trợ hô hấp. Một ngày sau, bệnh nhi hồi tỉnh, sức khỏe ổn định và đã được xuất viện.
Khi được hỏi lý do hành động như vậy, bé trai cho biết do em đã nhiều lần xem trò chơi “chết đi sống lại” trên YouTube. Trong video đó, nhân vật hướng dẫn cách thắt cổ nhưng vẫn thở được mà không chết. Thấy vậy, bé đã làm theo.
Gia đình bệnh nhi cho biết thường ngày, bé hay tự cầm điện thoại xem YouTube. Cha mẹ cũng đồng ý cho xem vì khi đó bé chịu ngồi yên, không quậy phá. Tuy nhiên, việc bé xem các nội dung gì, kênh nào, có nội dung bạo lực hay không, gia đình thừa nhận không kiểm soát được.
Bác sĩ Thu cũng cho biết cách đây nhiều năm, đơn vị từng tiếp nhận trường hợp một bé trai nhập viện trong tình trạng tổn thương tay nghiêm trọng. Nguyên nhân là bệnh nhi này hay xem các video có siêu nhân, siêu anh hùng. Lúc này, em đã tự đập tay vào cửa kính để bắt chước trở thành siêu nhân, dẫn đến đứt gân tay.
Trẻ nhỏ dễ làm theo các hành vi trên YouTube
Bác sĩ Thu cho biết các trường hợp tự tử ở trẻ em được tiếp nhận tại Bệnh viện Nhi đồng 2 thường là do sự cố, bất cẩn, chưa lường trước (ngã hồ bơi, ngạt nước, cây đè, uống nhầm dầu hôi, xăng,…).
Ngoài ra, một số ít trẻ có xem hoạt hình, chương trình giải trí nhưng không hiểu mức độ nguy hiểm và cố gắng bắt chước các hành động đã xem được. Từ đó, các em dẫn đến hành động đáng tiếc.
Một video có nội dung phản cảm được ngụy trang bởi các nhân vật hoạt hình trẻ yêu thích. |
YouTube có những chính sách nghiêm ngặt về việc quản lý các nội dung video chia sẻ trên trang web này. Tuy nhiên, khá nhiều người dùng tìm cách lách luật để đăng tải nhiều video có nội dung bạo lực, máu me, nhạy cảm, không phù hợp với trẻ nhỏ.
Thậm chí, YouTube Kids là ứng dụng dành riêng cho trẻ em nhưng cũng bỏ sót hàng loạt video phản cảm, bạo lực, khiêu dâm,… Các hình ảnh, chi tiết nhạy cảm, bạo lực này được ngụy trang dưới vỏ bọc nhân vật hoạt hình mà trẻ yêu thích như Peppa Pig, công chúa Elsa, người Nhện, người Dơi,…Do đó, người lớn khó có thể kiểm soát nếu không thường xuyên chú ý đến trẻ.
BSCKII Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành Phố (TP.HCM), cho biết cách mà người lớn vô tư cho trẻ sử dụng điện thoại sẽ khiến trẻ trở nên hung hãn khi bị lấy lại và dần vô cảm với thế giới xung quanh. Nguy hiểm hơn, trẻ có thể có hành vi làm theo các hành động bạo lực, gây tổn thương đến cơ thể trẻ.
Ngoài ra, việc xem YouTube thời gian dài có thể khiến trẻ mắc hội chứng Tic. Biểu hiện thường gặp là giật mắt, cơ hàm. Hội chứng này không gây ảnh hưởng sức khỏe nhưng có thể thành tật trong não, không có thuốc chữa mà phải điều chỉnh lại tâm lý, thói quen của trẻ.