Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bé trai 5 tuổi bị 'bỏ quên' mẩu gỗ trong cổ

Bệnh nhi phải nhập viện do áp xe vùng cổ do mẩu gỗ dài gần 4 cm bị mắc lại sau chấn thương.

Trẻ hiếu động có thể gặp tai nạn trong sinh hoạt. Ảnh: iStock.

Mới đây, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương đã tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhi V.T.S. (5 tuổi, trú tại Thạch Hà, Hà Tĩnh) trong tình trạng sưng đau, mủ dò ra vùng cổ.

Theo người nhà bệnh nhân, cách đây 2 tháng, bé S. bị một chiếc đũa gỗ đâm vào cổ. Thời điểm đó, bé chảy máu ít, được sơ cứu và khâu vết thương.

Tuy nhiên, sau 3 ngày, tại vị trí khâu xuất hiện tình trạng sưng đau. Bệnh nhi được phẫu thuật 2 lần mở khối áp xe tìm dị vật nhưng không thấy, dẫn lưu áp xe, dùng kháng sinh không đỡ.

mau go trong co hong anh 1

Mẩu gỗ được lấy ra trong cổ họng bệnh nhi. Ảnh: BVCC.

Do đó, bệnh nhi được chuyển lên Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương. Tại đây, sau khi được xét nghiệm, chụp chiếu, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi có áp xe vùng cổ phải, nghi ngờ có dị vật bỏ quên sau chấn thương.

Theo BS Trần Hữu Thắng, Trưởng khoa Cấp cứu, khối sưng vùng cổ có thể do một mảnh dị vật bị bỏ quên bên trong gây ra. Tuy nhiên, khi hội chẩn với các chuyên gia về X-quang, hình ảnh không rõ ràng và vị trí dị vật không cố định.

Sau khi đã giải thích với người nhà và thống nhất, các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật mở cổ bên để lấy dị vật bị bỏ quên cho bệnh nhi.

Sau nhiều khó khăn, ê-kíp mổ cũng phát hiện ra dị vật và lấy ra được mảnh gỗ (phần đầu của một chiếc đũa) dài khoảng hơn 4 cm nằm ở thành sau họng, trên miệng thực quản.

"Có thể khi cháu bị tai nạn, đầu chiếc đũa đã đâm xuyên từ cổ vào tận thành sau họng và bị gãy ở đó nên khi tuyến trước phẫu thuật không phát hiện được", vị chuyên gia cho hay.

Hiện tại, sau hai ngày điều trị, bệnh nhi đã ổn định, vết mổ khô và có thể sinh hoạt bình thường.

BS Thắng khuyến cáo trẻ nhỏ thường hiếu động, tò mò khám phá môi trường sống xung quanh nhưng chưa có ý thức và kỹ năng phòng, tránh rủi ro nên rất dễ gặp tai nạn.

Để phòng tránh thương tích cho trẻ, gia đình cần đánh giá, xem xét bao quát môi trường sống của con, chú ý đến tình huống có thể gây rủi ro như các đồ vật thủy tinh, sắc nhọn; các yếu tố nguy cơ gây bỏng như nước sôi, nồi canh, nồi cơm điện đang sôi… gần khu vực trẻ chơi.

"Các đồ vật có nguy cơ cao cần để ngoài tầm với của trẻ và luôn để ý trẻ chơi trong tầm mắt của người lớn. Khi đưa trẻ ra ngoài môi trường sống quen thuộc, phụ huynh cần đặt trẻ trong sự bao quát, quan sát của mình", BS Thắng nói.

Bên cạnh đó, phụ huynh có thể cùng trẻ tìm hiểu, trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản để con tự bảo vệ mình trước các nguy cơ tiềm ẩn.

Bé gái 4 tuổi bị tai nạn nguy kịch vì nghịch tay ga xe máy

Do sơ suất của mẹ khi dừng xe, bé gái vô tình vặn ga làm xe vọt lên phía trước mất kiểm soát.

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm