Đang điều trị tại khoa Chấn thương, Bệnh viện Mắt Trung ương với gương mặt và hai mắt vẫn còn sưng húp, bệnh nhi Trần Quang Thanh (8 tuổi, xóm Tè, xã Tân Hòa, Thái Nguyên) vẫn còn rất đau đớn sau khi bị chó nhà cắn vào môi và mắt. Mẹ bé Thanh cho hay con trai bị chó mẹ tấn công sau khi vô tình chơi đùa cùng chó con mới đẻ.
Đôi mắt của bé trai 8 tuổi vẫn còn phù nề và đau sau khi bị chó cắn. Ảnh: HQ. |
Gia đình đã đưa bé Thanh xuống Bệnh viện Thái Nguyên điều trị. Tại đây, cháu bé đã được tiêm một mũi huyết thanh kháng dại và được chuyển xuống Bệnh viện Mắt Trung ương cùng ngày.
TS.BS Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt Trung ương, cho hay bệnh nhi 8 tuổi nhập viện trong tình trạng có vết chó cắn tại môi và tổn thương mắt. Bệnh nhi đã được sơ cứu băng bó vết thương ở tuyến dưới sau đó được chuyển lên tuyến trên. Khi nhập viện, bé Thanh tỉnh táo nhưng các vết thương có dấu hiệu sưng phù nề.
Sau khi khám và kiểm tra, bệnh nhi được chuẩn đoán bị rách mi. Trưa 20/1, các bác sĩ đã tiến hành mổ nối lại mi mắt cho bé. Sau 3 ngày điều trị, tình hình sức khỏe của Thanh ổn định, nhưng các vết thương do chó cắn vẫn còn rất sưng và phù nề.
“Vết thương ở mi của bệnh nhân không nguy kịch và may mắn cũng không tổn thương cấu trúc bên trong mắt. Khó khăn nhất hiện nay vẫn chưa phát hiện được vật chủ cắn trẻ (chó nhà) là chó dại hay không. Chúng tôi đã yêu cầu gia đình nhốt chó lại và theo dõi. Trước mắt, trẻ đã được tiêm phòng nhưng lại bị dị ứng vắc xin, rất khó khăn cho việc điều trị”.
Bác sĩ Cương cũng khuyến cáo cha mẹ thường xuyên lưu ý trẻ để tránh gặp phải những tai nạn không đáng có. Những biến chứng về mắt thường rất nghiêm trọng, làm giảm thị lực, thậm chí mù.