PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình - Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghi Việt Đức, cho biết các bác sĩ vừa phẫu thuật cho bệnh nhi N.V.Th. (12 tuổi, trú xã Thọ Lộc, Thọ Xuân, Thanh Hóa) bị 2 con chó becgie cắn.
Trước đó, ngày 29/4, bé Th. bị hai con chó lao vào cắn mất gần toàn bộ da đầu và 2 tai. Bé được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thọ Xuân trong tình trạng nguy kịch với vết thương rất nặng, nguy hiểm đến tính mạng.
Bác sĩ thăm khám sức khỏe cho bệnh nhi. Ảnh: T.B. |
Lúc này, các y bác sĩ đã sơ cứu cho bệnh nhi, sau đó, chuyển lên Bệnh viện Nhi Thanh Hóa để điều trị vì vết thương ở đầu, tai và nhiều vết thương rất nặng khác trên người.
Tại bệnh viện Nhi Thanh Hóa, bệnh nhi được truyền máu cấp cứu để bảo toàn tính mạng. Trong đêm 29/4, bệnh viện đã chuyển bé đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức do tình trạng nặng.
PGS Hà cho biết sau 4 ngày mổ cấp cứu, bé Th. hiện đã tỉnh táo, có thể giao tiếp được tuy vẫn còn hơi mệt, nhợt nhạt. Bé có thể cử động chân tay và đang được cho tập ăn. Đồng thời, bệnh nhi được tiêm vắc xin phòng dại.
Các bác sĩ đang theo dõi sát sao tình trạng sọ não, ổ bụng cho bệnh nhi, đồng thời tiếp tục chăm sóc, dùng thuốc kháng sinh chống nhiễm trùng, thuốc chống phù nề, chống viêm.
Những phần da đã vá lại, đặc biệt vùng phủ phần xương sọ trên đầu, cũng được theo dõi về khả năng sống để có kế hoạch tái tạo da đầu trong thời gian tiếp theo.
Với phần tai đã mất, PGS Hồng Hà cho biết nếu bệnh nhi sớm bình phục, trong vòng 3-6 tháng có thể dùng chất liệu tự thân hoặc chất liệu nhân tạo để tái tạo tạo hình tai, giúp bé hòa nhập với cuộc sống.
Bé có thể được lắp khung sụn tai nhân tạo (Medpor, Omnipor) thay cho sụn sườn tự thân - một kỹ thuật mới rất hiện đại hiện nay.
Qua trường hợp này, PGS Hà khuyến cáo với các trường hợp chó cắn vào mạch máu lớn, máu chảy dữ dội có thể tử vong ngay lập tức, cần nhanh chóng băng ép cầm máu cho bệnh nhân, chuyển bệnh nhân đến nơi có thể truyền máu, bù dịch được.
Nếu bị có cắn vào đường thở, cần nhanh chóng khai thông đường thở trước khi chuyển bệnh nhân đi, bởi nếu không cầm máu và không thở được, bệnh nhân sẽ tử vong trước khi đến cơ sở y tế cấp cứu.
Những phần đứt rời rơi ra ngoài cơ thể bệnh nhân dù còn nguyên vẹn hay dập nát đều phải giữ lại, bảo quản và mang đến cho bác sĩ để có thể tận dụng mọi tổ chức cơ thể nối lại cho người bệnh.