Các bác sĩ phẫu thuật cấp cứu cho bé trai. Ảnh: BVCC. |
Qua khai thác bệnh sử, mẹ bé trai (11 tuổi, Hà Nội) cho biết con mình bị thương trong lúc chơi cùng các bạn ở trong lớp. Lúc này, bé không may bị va vào tủ kính ở cuối lớp học khiến cửa kính vỡ ra, cứa vào cổ tay hai bên.
Ngay lập tức, trẻ được các cô giáo băng ép cầm máu và nhanh chóng đưa đến trạm y tế xã cách đó khoảng 100 m tiếp tục sơ cứu. Trẻ được chuyển đến bệnh viện tuyến huyện rồi lên Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) để tiếp tục điều trị.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Lê Tuấn Anh, Phó trưởng khoa Chỉnh hình, người trực tiếp tiếp nhận và phẫu thuật cho bệnh nhi, thời điểm nhập viện, trẻ được nhà trường, trạm y tế xã và bệnh viện tuyến huyện sơ cấp cứu rất tốt nên vết thương không còn chảy máu.
Tuy nhiên, các ngón bàn tay trái không còn cử động được. Ngay lập tức, bệnh nhi được kiểm tra vết thương tại phòng tiểu phẫu.
Sau khi kiểm tra vùng cổ tay trái của trẻ, các bác sĩ nhận thấy tình trạng tổn thương rất nghiêm trọng: đứt toàn bộ động mạch trụ, đứt thần kinh trụ và thần kinh giữa, đứt gân gấp cổ tay trụ, đứt gân gấp ngón 4 và 5 bàn tay trái.
"Nếu không được phẫu thuật kịp thời, bệnh nhi có nguy cơ phải cắt bỏ bàn tay trái vì bàn tay không có máu nuôi dưỡng đủ sẽ dẫn đến hoại tử. Trẻ được chỉ định phẫu thuật vi phẫu ngay lập tức", bác sĩ Tuấn Anh cho hay.
Ca phẫu thuật kéo dài 3 giờ. Sau mổ, các ngón tay đã hồng ấm trở lại và cử động tương đối tốt, trẻ đỡ đau, không sốt. Sau khi ra viện, khi các gân đã liền, trẻ sẽ được thăm khám và hướng dẫn tập vận động phục hồi chức năng để bàn tay trái có thể cử động như bình thường...
Theo bác sĩ Lê Tuấn Anh, hàng năm, khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Trung ương, thường tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ bị các vật dụng sắc nhọn cứa vào cơ thể gây đứt động mạch, tĩnh mạch dẫn đến chảy máu trầm trọng, gây nguy hiểm tính mạng.
Để phòng tránh các tai nạn thương tâm xảy ra, bên cạnh việc giáo dục và tạo không gian vui chơi an toàn cho câc bé, các bác sĩ khuyến cáo mọi người cần trang bị các kiến thức sơ cấp cứu các vết thương mạch máu.
Khi sơ cứu các vết thương mạch máu, người sơ cứu cần phải tuân theo 4 nguyên tắc cơ bản sau đây:
- Bước 1: Nhanh chóng đặt gạc sạch, vải sạch, khăn tay sạch... lê vị trí vết thương rồi băng ép cầm máu. Tuyệt đối không rửa vết thương vì có thể đưa vi khuẩn, chất bẩn vào sâu bên trong.
- Bước 2: Đặt trẻ nằm ở tư thế thoải mái, thuận tiện, nâng cap vùng bị tổn thương nhằm giảm áp lực tới vùng này.
- Bước 3: Trường hợp có gãy xương, trẻ cần được cố định xương gãy bằng nẹp.
- Bước 4: Trẻ cần được đưa đến cơ sở y tế chuyên khoa gần nhân để được thăm khám và xử trí kịp thời.
Ngoài ra, khi sơ cứu mạch máu cho trẻ, người thực hiện cần bình tĩnh và chú ý trấn an tinh thần bé. Nếu máu thấm qua gạc, băng, người thực hiện nên quấn đè lên lớp băng cũ; không bắng ép quá chặt vết thương. Trẻ có thể dùng thuốc thuốc giảm đau đường uống hoặc đường tiêm.
Trong quá trình nuôi con, cha mẹ không tránh khỏi lo lắng trước những hiện tượng liên quan đến sức khỏe của em bé. Trẻ có thể chảy nước mũi hay húng hắng ho khi chuyển mùa, sốt khi tiêm phòng, gặp vấn đề tiêu hóa…
Những lúc ấy, các bậc phụ huynh sẽ đưa con đến thẳng bệnh viện để nhờ bác sĩ thăm khám, nghe theo những phương thuốc dân gian hay quáng quàng lo lắng? Trẻ con đứa nào chẳng ốm, Để con được ốm hay Hỏi bác sĩ nhi đồng sẽ là cẩm nang chăm sóc sức khỏe cho trẻ, cung cấp kiến thức khoa học về chăm sóc sức khỏe trẻ em.