Sau vài phút uống nước ngọt có ga, bé trai rơi vào trạng thái phản vệ, dẫn đến sốc. Ảnh: Pixabay. |
Chiều 26/1 (mùng 5 Tết Nguyên đán Quý Mão), Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) cho biết đơn vị này tiếp nhận bệnh nhi 10 tuổi trong tình trạng khó thở, nuốt nghẹn, nổi ban ngứa vùng ngực bụng, phù mạch quanh mắt, co thắt vùng khí quản, thở rít.
Theo lời kể của gia đình, tình trạng này xuất hiện sau vài phút bé uống nước ngọt có ga. Bé trai được đưa đến trạm y tế dùng thuốc nhưng không thuyên giảm. Trẻ ngày càng khó thở nhiều và được gia đình chuyển đến Bệnh viện đa khoa Hùng Vương cấp cứu.
Tại đây, bệnh nhi được các bác sĩ xử trí theo phác đồ chống sốc phản vệ, thuốc Adrenalin. Sau khi được cấp cứu và hồi sức tích cực, trẻ qua cơn nguy kịch và được chuyển khoa Hồi sức cấp cứu để tiếp tục điều trị.
Các bác sĩ khuyến cáo dị ứng, phản vệ, sốc có thể xảy ra bất cứ lúc nào và hậu quả nguy hiểm nếu không được cấp cứu kịp thời.
Do đó, khi cơ thể có dấu hiệu bất thường sau khi tiếp xúc với các dị nguyên như ong đốt, kiến đốt, tiêm, uống thuốc, ăn các loại thực phẩm... người dân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Theo Mayo Clinic, phản ứng dị ứng xảy ra khi hệ thống miễn dịch của bạn báo động vì tiếp xúc một số chất trong môi trường. Đa phần, chúng vô hại. Nhưng một số người có cơ địa nhạy cảm, dễ phản ứng lại các tác nhân từ bên ngoài.
Sốc phản vệ (anaphylactic shock) khiến hệ thống miễn dịch tiết ra hàng loạt chất hóa học, khiến huyết áp của chúng ta giảm đột ngột, đường thở thu hẹp, gây tắc thở.
Triệu chứng sốc phản vệ có thể xảy ra sau vài giây đến vài phút bạn tiếp xúc thứ mình bị dị ứng, như mạch đập nhanh, yếu; phát ban da; buồn nôn và nôn... Chỉ sau thời gian ngắn, bệnh nhân không được điều trị sốc phản vệ có nguy cơ tử vong cao.
Cuốn sách bên bờ sự sống
Ngành y là ngành luôn chứng kiến ranh giới sự sống - cái chết của người khác, nhưng Khi hơi thở hóa thinh không lại là một cuốn sách đặc biệt khi nó là khoảnh khắc đối diện cái chết của người viết trong cả vai trò bác sĩ lẫn bệnh nhân. Cuốn hồi ký được bác sĩ thần kinh Paul Kalanithi viết khi căn bệnh ung thư trở nặng, anh ngồi trên xe lăn và nhớ về những tháng ngày cống hiến cho ngành y.