Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bé trai bị thủng ruột vì nuốt 10 viên bi nam châm

Bệnh nhi 5 tuổi vô tình nuốt phải các viên bi nam châm, dẫn đến tình trạng thủng ruột non, tá tràng.

Các bác sĩ tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Bắc Ninh vừa phẫu thuật lấy dị vật có từ tính (nam châm) trong bụng bệnh nhi Đ.M.Đ. (5 tuổi, trú tại đường Đại Phúc, TP Bắc Ninh). Đây được đánh giá là ca bệnh hiếm gặp, không phẫu thuật kịp thời có thể gây hoại tử và nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Bác sĩ Nguyễn Công Hùng, Trưởng khoa Ngoại nhi, cho biết bé Đ. nhập viện trong tình trạng đau bụng. Qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện ổ bụng bé có nhiều dị vật nên chỉ định nhập viện theo dõi. Sau 4 ngày, dị vật vẫn ở nguyên vị trí, không di chuyển.

thung ruot vi nuot bi nam cham anh 1

Dị vật nam châm đã được lấy ra khỏi cơ thể của bé Đ. Ảnh: BVCC.

Theo lời kể của gia đình, tại nhà, Đ. hay chơi xếp hình viên bi nam châm có từ tính tại nhà. Chúng rất nhỏ, nhiều hình dạng, màu sắc nên trong quá trình chơi bé có thể nuốt mà gia đình không biết.

Dựa trên hình ảnh X-quang, nội soi và lời kể của gia đình, các bác sĩ nghi đây là dị vật nam châm, chỉ định phẫu thuật để lấy ra kịp thời. Các dị vật ở vị trí khác nhau như tá tràng, đại tràng, ruột non.

Ngày 1/3, trẻ được phẫu thuật để lấy dị vật và sau 4 giờ, ê-kíp lấy ra 10 hạt nam châm có đường kính 6 cm với viên tròn và cạnh 5 mm với hạt vuông. Các dị vật hút nhau, sau khi giải phóng gây thủng tá tràng, ruột non, đại tràng.

Trẻ đã được phẫu thuật lấy bỏ hết dị vật và xử lý các lỗ thủng đường tiêu hóa. Hậu phẫu, bệnh nhi tỉnh táo. Bé đang được các bác sĩ chăm sóc vết khâu và điều trị tích cực.

Dị vật đường tiêu hóa ở trẻ em không phải là trường hợp hiếm. Trong đó, số lượng bệnh nhi mang dị vật có từ tính đang tăng lên tại Việt Nam.

Ở trẻ nhỏ, các dị vật đường tiêu hóa thường gặp là nhẫn, dây chuyền, nắp bật lửa, đồng xu, bi sắt… Trẻ vô tình hoặc cố ý nuốt phải trong quá trình ăn uống, sinh hoạt.

Trẻ thường nuốt phải các dị vật từ tính nhiều lần, gây tình trạng dị vật bao quanh các quai ruột khác nhau. Chúng có từ tính nên có thể hút lại, gây tắc ruột, chèn ép thành ruột, thiếu máu nuôi dưỡng. Hậu quả là nó có thể dẫn tới thủng ruột, viêm phúc mạc, thậm chí tử vong nếu không được xử lý kịp thời.

Vì vậy, những trường hợp trẻ nuốt dị vật từ tính cần được can thiệp sớm, tránh để lại biến chứng.

Khi các dị vật vào đến dạ dày, khoảng 80-90% có thể tự thoát ra khỏi đường tiêu hóa, 10-20% cần can thiệp không phải phẫu thuật và chỉ dưới 1% phải phẫu thuật.

Cứu bệnh nhân bị sốc tim

Cụ ông 88 tuổi nhập viện trong tình trạng chóng mặt, khó thở, đau tức ngực trái.

Thiên Nhan

Bạn có thể quan tâm