Bệnh nhi mắc hội chứng thận hư phát hiện và điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương cách đây 3 năm. Tuy nhiên, gia đình tự ý cho bệnh nhi ngừng thuốc. Ba tháng trước, bệnh nhi đi khám tại Bệnh viện Bạch Mai phát hiện bệnh thận giai đoạn IV nhưng vẫn không điều trị, gia đình cắt thuốc nam cho bệnh nhi uống.
Một tuần trước nhập viện, bệnh nhi thấy hoa mắt, chóng mặt nhiều kèm theo buồn nôn, mệt mỏi, tê bì tay chân dần, ý thức chậm chạp, đi tiểu ít dần đồng thời nặng mặt và hai chi dưới. Gia đình đưa bệnh nhi nhập viện huyện Lục Ngạn điều trị nửa ngày không đỡ sau bệnh nhi được chuyển xuống Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang điều trị tiếp .
Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch: mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt nhiều do thiếu máu nặng, ý thức chậm chạp, buồn nôn nhiều do chất độc trong máu tăng quá cao. Đặc biệt, bệnh nhi có các biểu hiện lâm sàng: kali máu tăng quá cao, tê bì tay chân, rối loạn nhịp tim - trong trường hợp này nguy cơ ngừng tuần hoàn là rất cao.
Bệnh nhi được điều trị và theo dõi tại bệnh viện. |
Tiến hành hội chẩn, các bác sĩ chẩn đoán: bệnh nhi bị tăng kali máu - hội chứng ure máu tăng cao/bệnh thận giai đoạn cuối.
Trước nguy cơ tử vong cao của bệnh nhi, các bác sĩ thực hiện kỹ thuật đặt catherter tĩnh mạch trung tâm, lọc máu cấp cứu và truyền 750 ml khối hồng cầu cùng nhóm cho bệnh nhi. Sau 3 giờ lọc máu, bệnh nhi đã qua khỏi cơn nguy kịch đe dọa tính mạng.
Hiện tại bệnh nhi vẫn đang được tiếp tục theo dõi và điều trị nội trú tại Khoa Nội thận - Tiết niệu lọc máu.
Theo các bác sĩ, để tình trạng bệnh nhi quá nặng gia đình mới đưa đến viện điều trị cũng là do gia đình không điều trị bệnh triệt để, không tái khám khi bị bệnh thường xuyên. Thay vào đó lại quá tin vào thuốc nam .Qua đây, các bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân mắc bệnh thận mạn tính nên theo dõi và điều trị bệnh hạn chế tối đa sự tiến triển nặng hơn của bệnh thận mạn tính.